Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào mùa khô, Trường Mẫu giáo 2/9 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Có một hệ thống nước sạch ổn định để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập là mong mỏi bấy lâu của cô và trò ở ngôi trường vùng biên này.

Năm học 2024-2025, Trường Mẫu giáo 2/9 có 310 học sinh theo học, phân bố tại điểm trường chính ở trung tâm xã và 8 điểm trường làng. Đến mùa khô, giếng đào của trường cạn trơ đáy. Dưới tiết trời nắng như đổ lửa, những chậu hoa và khóm cây cảnh trong sân trường đều héo rũ vì thiếu nước tưới. Bồn rửa tay của học sinh cũng tạm ngừng hoạt động bởi không có nước.

Mỗi ngày, để có nước sinh hoạt, các giáo viên ở điểm trường chính tại trung tâm xã Ia O phải tranh thủ đến lớp từ sáng sớm hoặc tận dụng giờ nghỉ giữa tiết để xách từng thùng nước xin từ các hộ dân xung quanh về trường sử dụng. Công việc dạy học vốn đã vất vả nay lại thêm phần gian truân.

hien-nay-co-va-tro-truong-mau-giao-29-kho-so-vi-thieu-nuoc-sinh-hoatanh-rh.jpg
Hiện nay, cô và trò Trường Mẫu giáo 29 khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: R.H

Cô Bùi Thị Bích Phượng-Giáo viên Trường Mẫu giáo 2/9-chia sẻ: Trường có đông học sinh nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Hiện nay, cả cô và trò đều khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Một số phụ huynh thi thoảng mang can nước đến hỗ trợ. Hàng ngày, các cô phải xin nước từ nhà dân, rồi chắt chiu từng giọt. Nước rửa tay, rửa rau được tận dụng để dội nhà vệ sinh.

Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, việc thiếu nước còn ảnh hưởng đến việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ. Không có đủ nước để rửa tay, lau chùi, vệ sinh lớp học khiến môi trường học tập tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh tay chân miệng ở trẻ.

Đặc biệt, khó khăn càng được nhân lên đối với các giáo viên phải ở lại trường. Không có nguồn nước sinh hoạt ổn định, các cô phải xin nước từ hộ dân trong xã hoặc tận dụng nguồn nước sẵn có tại các điểm trường làng.

Cô Lã Thị Hiến-Giáo viên tại điểm trường làng Bi-tâm sự: “Vì nhà cách xa trường nên tôi phải ở lại. Mỗi sáng đến điểm trường làng Bi dạy học, tôi mang theo đồ dùng cá nhân để tranh thủ tắm rửa. Những hôm không có tiết dạy buổi chiều, tôi phải về nhà tắm rồi quay lại trường nghỉ ngơi”.

Thấu hiểu khó khăn của giáo viên, người dân địa phương sẵn lòng sẻ chia nguồn nước sinh hoạt của gia đình. Chị Trần Thị Nhung (làng Dăng, xã Ia O) cho biết: “Cứ sau Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu nước lại xảy ra nên các cô giáo Trường Mẫu giáo 2/9 thường đến nhà tôi xin nước về dùng. Gia đình có giếng khoan nhưng mùa khô nước cũng rất ít, hàng ngày phải bơm liên tục mới đủ nước sử dụng.

Tuy vậy, thấy các cô vất vả, học trò còn nhỏ mà thiếu nước sinh hoạt, tôi không nỡ từ chối. Mùa khô ở đây mà không có nước thì không thể xoay xở được”.

1-3650.jpg
Để có nước sinh hoạt, các giáo viên Trường Mẫu giáo 2/9 phải đi xin nước từ các hộ dân trong xã. Ảnh: R.H

Cô Nguyễn Thị Định-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo 2/9-nêu thực trạng: Vào mùa khô hàng năm, cô trò chúng tôi rất vất vả vì thiếu nước sinh hoạt. Trước đây, trường được hỗ trợ máy lọc nước nhưng do giếng đào cạn kiệt nên không sử dụng được, gây lãng phí. Chúng tôi rất mong Nhà nước đầu tư giếng khoan và cơ sở vật chất thiết yếu khác để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt phục vụ công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Tuâng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: Vào cao điểm mùa khô hàng năm, nhất là từ tháng 2 đến tháng 5, trên địa bàn xã thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Trước phản ánh của Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo 2/9, UBND xã sẽ kiểm tra thực tế để tìm giải pháp xử lý phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

(GLO)- Môi trường quân đội đòi hỏi kỷ luật cao, rèn luyện nghiêm, cường độ công việc lớn, nhưng vẫn có những “bông hồng thép” lặng lẽ cống hiến và lan tỏa tinh thần vượt khó. Thiếu tá QNCN Trần Thị Thu Hường-Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Chính trị (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) là một minh chứng.

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

(GLO)- Khi tiếng ve gọi hè, trên những tán cây xanh và ở dưới mặt đất ẩm ướt sau những cơn mưa giông đầu mùa trên phố núi Pleiku lập lòe ánh sáng đom đóm. Tất cả báo hiệu một mùa đom đóm bay-mùa bình yên ở thành phố trên cao nguyên xanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế kiểm tra tiến độ thi công đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa

Gia Lai tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc các dự án trọng điểm

(GLO)- Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm là yêu cầu cấp bách đang được lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo quyết liệt. Với quyết tâm cao, các sở, ngành và địa phương đang nỗ lực đưa các dự án về đích theo kế hoạch.

Sau buổi phát động, người dân làng làng Đăk Hlá-Tơ Drăh đã ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường và khu vực công cộng. Ảnh: Nhật Hào

Mang Yang: Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo vệ môi trường

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian gần đây, người dân ở nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mang Yang đã có ý thức tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa và cây xanh tại các khu vực công cộng để góp phần cải thiện cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

Gia Lai: Ưu tiên bố trí nguồn lực địa phương hỗ trợ các “địa chỉ nhân đạo”

(GLO)- Ngày 6-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 1185/UBND-KGVX về việc tiếp tục triển khai thực hiện kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát triển các mô hình công tác xã hội nhân đạo.