Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nhiều giếng đào và giếng khoan tại một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai bắt đầu cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Thiếu nước sinh hoạt cục bộ

Gần 1 tháng nay, 34 hộ người dân tộc thiểu số ở làng Phung (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hệ thống giếng khoan trong làng dù mỗi ngày bơm đến 2 lần nhưng vẫn không thể dẫn nước về các khu vực xa đường ống hoặc những khu vực cao.

1bg-9253.jpg
Anh Rmah Chưng (làng Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) bên bồn nước khô cạn. Ảnh: N.D

Anh Rmah Chưng (làng Phung) phản ánh: “Cuộc sống của gia đình tôi cũng như một số hộ trong làng bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Mỗi ngày, chờ mãi cũng chỉ hứng được vài lít nước chứa trong bồn dành để rửa chén bát chứ không đủ nước tắm giặt. Còn nấu ăn thì phải mua nước đóng bình về sử dụng”.

Còn anh Rmah Thóp (cùng làng) thì chia sẻ: Hiện nay, gia đình anh cũng như nhiều hộ trong làng bị thiếu nước sinh hoạt do hệ thống dẫn nước về nhà không còn khả năng cung cấp. Nhiều ngày qua, các thành viên trong gia đình không được tắm giặt do thiếu nước, còn nấu ăn phải mua nước đóng bình. “Giờ chỉ trông có mưa sớm để trữ nước sinh hoạt và chờ nước mạch từ giếng khoan dâng cao trở lại thì mới đủ nước dùng hàng ngày”-anh Thóp cho hay.

2bon-chua-nuoc-lang-phung-cung-cap-ghang-tram-ho-moi-ngay.jpg
Bồn chứa nước làng Phung cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ mỗi ngày. Ảnh: N.D

Làng Phung có 304 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai. Những năm qua, mỗi khi vào cao điểm mùa khô, nhiều hộ dân lại rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Lê Sơn Cầm Thảo-Bí thư Chi bộ làng Phung-thông tin: Làng có 2 công trình giếng khoan tập trung đã kéo đường ống, đồng hồ dẫn nước về đến từng nhà dân. Công trình do bà con tự quản lý, sử dụng và sửa chữa máy móc mỗi khi hư hỏng.

Hiện tại, một số hộ vẫn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt vào mùa khô tăng cao, trong khi mực nước ở 2 giếng khoan đều giảm mạnh không thể đưa nước về các khu vực ở xa đường ống.

Bên cạnh đó, năm 2024, lượng mưa ít nên nguồn nước ngầm giảm mạnh dẫn đến 34 hộ dân ở đây thiếu nước sinh hoạt. Hiện bà con rất mong được Nhà nước hỗ trợ làm thêm giếng khoan để không còn lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa.

Tương tự, gần 1 tháng nay, người dân làng Jro Ktu Đak Yang (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cũng đang gặp khó khi các giếng đào trên địa bàn bắt đầu cạn nước. Bà Đinh Thị Đoai cho biết: Giếng nước nhà bà chỉ sâu 12 m nên hiện đã cạn nước. Gần 1 tháng nay, gia đình bà phải đến giếng nước tập trung của làng để lấy thêm nước về sử dụng; đồng thời, mua thêm nước bình về phục vụ cho việc nấu cơm. Riêng việc tắm giặt đều dùng nước sông Ba.

Còn ông Đào Văn Tuấn (cùng làng) thì cho hay: Giếng đào của gia đình ông chỉ sâu 12 m nên năm nào cũng thiếu nước vào mùa khô. Năm 2020, ông thuê người khoan sâu thêm 100 m nhưng vẫn không đủ nước. Nguyên nhân là do địa hình cao và đá nhiều nên ít có mạch nước ngầm đi qua.

“Mùa khô năm nào cũng vậy, gia đình tôi phải mua nước bình về nấu ăn. Thời điểm giếng cạn nước, gia đình ra sông Ba tắm giặt và lấy nước về nhà sử dụng. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt của gia đình”-ông Tuấn chia sẻ.

2bg.jpg
Gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) phải mua nước bình để nấu ăn. Ảnh: H.T

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc (cùng làng) bộc bạch: “Gần 1 tháng nay, giếng nước nhà tôi phải chia sẻ cho 3 hộ khác trong làng. Thực tế, giếng nước của gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây bị nhiễm vôi nên đa phần các hộ đều phải mua nước bình về nấu ăn quanh năm. Chúng tôi mong các cấp quan tâm đầu tư công trình giếng khoan để cung cấp nước sạch cho người dân, giúp khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô”.

Ông Đinh Chuyền-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jro Ktu Đak Yang-cho biết: Do làng có nhiều khu vực nằm trên cao và nhiều đá nên giếng chỉ đào sâu được 11-15 m dẫn đến bị thiếu nước vào mùa khô. Đến thời điểm hiện tại, 5 giếng đã cạn khô; số giếng nước còn lại cũng bị thiếu nước gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

“Hiện nay, làng có 3 công trình nước sinh hoạt tập trung do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, giếng nước tại các công trình này chỉ sâu khoảng 12 m nên làng đã vận động các hộ đến lấy nước và sử dụng thật tiết kiệm để phòng nắng hạn kéo dài gây thiếu nước trong vài tháng tới”-ông Chuyền thông tin thêm.

Tìm giải pháp khắc phục

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã được đầu tư các công trình giếng khoan tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Tuy nhiên, tại một số thôn, làng, người dân vẫn đối diện với tình trạng thiếu nước vào mùa khô, đặc biệt là từ cuối tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Vì thế, nhiều địa phương đã chủ động tìm phương án để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho hay: Trên địa bàn xã đã được đầu tư 4 công trình giếng khoan và một số giếng đào tập trung để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy vậy, năm nào tình trạng thiếu nước cũng xảy ra, nhất là khoảng tháng 5 và tháng 6.

“Làng Jro Ktu Đak Yang nằm ở khu vực cao và nhiều đá nên giếng đào không sâu dẫn đến bị thiếu nước sớm hơn so với các thôn, làng còn lại. Ủy ban nhân dân xã đã vận động các hộ sử dụng nước tiết kiệm, hộ nào thiếu nước thì đến 3 công trình giếng nước tập trung được đầu tư cho làng theo chương trình xây dựng nông thôn mới để lấy nước về sử dụng”-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc nói.

44.jpg
Chị Đinh Thị Đoai (đang địu con) và nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Jro Ktu Đak Yang sử dụng nước sông Ba cho việc tắm giặt để tiết kiệm nước giếng. Ảnh: Hồng Thương

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 285 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, 53 công trình hoạt động bền vững, 106 công trình hoạt động tương đối bền vững, 54 công trình hoạt động kém bền vững và 72 công trình không hoạt động.

Trong khi đó, ông Võ Minh Cần-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang-thông tin: Mỗi khi bước vào mùa khô, một số hộ dân ở làng Phung bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, nhất là những hộ ở trên khu vực địa hình cao, xa đường ống dẫn nước.

Trước tình hình đó, UBND xã và huyện đã khảo sát, tìm giải pháp khắc phục; đồng thời, vận động các hộ chia sẻ nguồn nước sinh hoạt để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện nay, Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai đã tiến hành khảo sát và dự kiến sẽ hỗ trợ người dân làng Phung 1 công trình giếng khoan cùng hệ thống lọc để “giải cơn khát” thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Ông Phạm Văn Thùy-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Pưh-cho biết: Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt cục bộ, UBND huyện đã thành lập 3 tổ kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng-chống hạn tại các xã, thị trấn. Trong đó, tập trung kiểm tra mực nước tại các công trình thủy lợi và hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ…

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương. Theo dự báo trong khoảng 10 ngày tới, tình hình hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ còn gia tăng ở các địa phương và khu vực không chủ động nguồn nước, xa công trình thủy lợi… Vì vậy, các địa phương cần chủ động có giải pháp để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.

Đồng bào Jrai, Bahnar hướng về Quốc Tổ

Đồng bào Jrai, Bahnar hướng về Quốc Tổ

(GLO)- Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để tưởng nhớ và tri ân công lao của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Không chỉ người dân miền xuôi mà 44 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó có đồng bào Jrai và Bahnar cũng hướng về Quốc Tổ với niềm tự hào, thành kính.

Niềm vui từ những căn nhà chữ thập đỏ

Niềm vui từ những căn nhà chữ thập đỏ

(GLO)- Nhằm hiện thực hóa giấc mơ “an cư, lạc nghiệp” cho người nghèo, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh Gia Lai đã huy động sự đóng góp của cộng đồng để xây dựng những căn nhà chữ thập đỏ, mang lại niềm vui cho nhiều hộ gia đình.

Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho công nhân ngành điện

Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho công nhân ngành điện

(GLO)- Nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp cho công nhân, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, từ đầu năm đến nay, điện lực các địa phương tại Gia Lai đã đồng loạt ra quân diễn tập phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Phường Yên Đỗ ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”

Phường Yên Đỗ ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”

(GLO)- Chiều 4-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) tổ chức ra mắt mô hình “Bảo hiểm y tế vì sức khỏe tương lai”. Đây là hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Đại hội Đảng các cấp.