Mục đích chuyến công du đầy bất ngờ của Thủ tướng Hungary

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kể từ đầu tháng 7, Thủ tướng Hungary đã có chuyến công du đầy bất ngờ tới một loạt nước: Ukraine, Nga, Trung Quốc.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Trung Quốc. Ảnh: X

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Trung Quốc. Ảnh: X

Việc Thủ tướng Thủ tướng Hungary Orban thực hiện một loạt chuyến đi với nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột Nga- Ukraine đã gây sự chú ý và những phản ứng khác nhau của các liên minh và nước lớn.

Vào ngày 2/7, ông Orban đã đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine để trao đổi về những nỗ lực hòa bình với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Sau đó 3 ngày ( 5/7), ông đã gặp Tổng thống Putin tại Moscow để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình.

Ngày 8/7, Thủ tướng Orban tiếp tục gặp Chủ tịch Tập Cận Bình khi thăm Trung Quốc.

Thủ tướng Hungary tiết lộ mục đích của chuyến công du đó là ông muốn thảo luận về khả năng giải quyết xung đột Ukraine với 5 bên chủ chốt là Nga, Ukraine, Mỹ, EU và Trung Quốc.

Gergely Gulyas, chánh văn phòng thủ tướng Hungary, cho biết Hungary hy vọng các cường quốc có thể hối thúc Ukraine và Nga tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.

"Các quan chức từ các nước lớn ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ nên đưa các bên xung đột đến bàn đàm phán để đảm bảo ngừng bắn, khởi động các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến tranh cũng như những thương vong đang diễn ra trong hai năm rưỡi qua", ông Gulyas nhấn mạnh.

Thủ tướng Hungary cho rằng, nạn nhân chính của chiến lược do Mỹ và EU dẫn đầu chính là "nền kinh tế và người dân châu Âu".

Ông Orban giữ quan điểm trung lập trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, nhận định Nga không phải là quốc gia dễ đánh bại, khi Moscow có tiềm lực quân sự, vũ khí và công nghệ.

Và ông đã sử dụng vai trò chủ tịch Hội đồng châu Âu để cố gắng khởi động tiến trình riêng của mình nhằm chấm dứt chiến sự thông qua đàm phán.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Orban cho biết rằng ngoài Nga và Ukraine, câu trả lời cho câu hỏi khi nào cuộc xung đột sẽ kết thúc cũng phụ thuộc "vào quyết định của ba cường quốc thế giới gồm Mỹ, EU, Trung Quốc".

"Đây là lý do chúng tôi đến Bắc Kinh sau cuộc gặp với các bên tham chiến", thủ tướng Hungary viết trên Facebook.

Ông Orban đã nhiều lần nói rằng chỉ có thể tìm ra giải pháp cho tình hình ở Ukraine cùng với Mỹ và EU vì cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu. Ông cũng nói rằng Hungary ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột Ukraine.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ở Moscow ngày 5/7, Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố: "Không nên tồn tại một thỏa thuận ngừng bắn hay đóng băng xung đột mà Ukraine có thể lợi dụng để bù đắp tổn thất, tái vũ trang và tập hợp lực lượng".

Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ ngừng bắn ngay lập tức nếu Ukraine chấp thuận một số điều kiện. Những điều kiện này gồm Ukraine phải rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập (Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk), cam kết trung lập, không gia nhập NATO.

Moscow cho rằng đây là cách nhanh nhất để chấm dứt xung đột. Mặt khác, Nga cảnh báo, nếu Ukraine từ chối đề xuất hòa bình này, các đề xuất sau này sẽ càng bất lợi cho Ukraine.

"Ông Orban đang thực hiện một sáng kiến nghiêm túc để so sánh quan điểm của các bên khác nhau và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này của ông Orban", người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nói.

Theo ông Peskov, "có rất nhiều bất đồng giữa các bên liên quan, nhưng ít nhất ông Orban đang thực hiện một nỗ lực rất nghiêm túc để hiểu bản chất của những bất đồng này và điều này được đánh giá rất cao".

Khi ông Orban tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tập đã bày tỏ sự ủng hộ với nhiệm vụ hòa bình mà ông Orban đang thực hiện.

Mới đây, khi có ý kiến chỉ trích từ liên minh rằng ông Orban không có quyền đại diện cho EU để thảo luận với Nga, Thủ tướng Hungary nói động cơ chuyến đi của chỉ riêng ông, nước ông.

Trước sau, ông Orban giữ quan điểm nỗ lực viện trợ của EU dành cho Ukraine đang gây tổn hại cho người dân trong liên minh. Ông Orban đề nghị khối nên từ bỏ cách tiếp cận hiện tại với cuộc chiến.

Trước đây, ông đã nhiều lần bày tỏ sự không đồng tình với chính sách hỗ trợ EU dành cho Ukraine, trong đó có gói ngân sách 50 tỷ USD giúp Kiev củng cố hệ thống phòng không, kho pháo binh và bộ binh.

Thủ tướng Hungary cũng nhiều lần bày tỏ không ủng hộ các chính sách của phương Tây về cuộc xung đột Ukraine, cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga là phản tác dụng và việc chuyển giao vũ khí cho Kiev là hành động nguy hiểm, gây leo thang căng thẳng.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Kbang

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Kbang

(GLO)- Sáng 28-11, UBND huyện Kbang tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1195/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025; ra mắt hệ thống chính trị xã Kông Bơ La (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Giám sát thiết chế văn hóa, thể thao của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai

Giám sát thiết chế văn hóa, thể thao của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai

(GLO)- Sáng 27-11, đoàn giám sát do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã khảo sát một số đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và làm việc với Sở về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.