Trải qua bao năm tháng bị lãng quên, những nhịp chiêng, bước xoang có phần ngượng nghịu, nhưng bà con luôn nhắc nhau học tập để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Làng vắng tiếng chiêng ngân
Chậm rãi chỉnh lại chiếc cồng cỡ lớn, già làng Alit hồi nhớ: Trước đây, làng nổi tiếng với chiêng hay, xoang đẹp. Đội cồng chiêng của làng vinh dự được trình diễn tại Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.
Ngày đó, cùng với đoàn cồng chiêng của các dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên như: Ê Đê, Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Xê Đăng, Brâu… và đoàn cồng chiêng của các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam như: Mường, Thái, Chăm, Khmer, Hrê, Cà Tu, Tà Ôi… đội cồng chiêng của làng Dung Rơ đã trình diễn những bài chiêng mê hoặc quan khách trong và ngoài nước.
Làng có nghệ nhân đánh chiêng giỏi là ông Hnil. Nhưng rất tiếc, năm 2014, ông Hnil qua đời, chúng tôi mất đi người “thủ lĩnh” cừ khôi. Những năm sau đó, làng Dung Rơ dần vắng bóng cồng chiêng.
Không có người dẫn dắt, đội cồng chiêng làng Dung Rơ gần như ngừng hoạt động. Những bộ chiêng trong làng cũng dần biến mất theo thời gian. Ông Alit nhẩm tính: Ngoài bộ chiêng lớn của làng thì Dung Rơ chỉ còn 5 hộ lưu giữ cồng chiêng. Người biết đánh cồng chiêng trong làng cũng dần lớn tuổi hoặc đã qua đời. Tiếng trầm hùng của những bài chiêng thân thuộc xưa kia cũng dần “ngủ quên” sau ngọn núi, đám rẫy.
“Hiện nay, làng chỉ còn khoảng 3-5 người già biết đánh cồng chiêng. Còn lớp trẻ sau này vì không được truyền dạy nên chúng biết rất ít, thậm chí có nhiều đứa không biết cách cầm nắm cồng chiêng. Người già như chúng tôi có tiếc nhớ cũng chỉ biết xếp lại trong tâm thức của mình”-già Alit giãi bày.
Cũng là người tiếc nuối khi cồng chiêng mai một, ông Char-Trưởng thôn-cho rằng: Bản thân mình dù đã cố gắng vận động bà con nhưng vẫn không thể vực dậy đội cồng chiêng của làng. Theo lời người xưa, con trai phải biết đánh chiêng, con gái phải biết xoang mới được tham gia vui chơi, uống rượu trong các ngày lễ hội của làng.
Vì vậy, từ khi lên 10-15 tuổi, trai gái của làng bắt đầu tìm đến những người biết đánh chiêng, xoang giỏi của làng để học tập. Thế nhưng, trước nhịp sống hiện đại, người làng dần lãng quên cách gìn giữ âm thanh quý giá này. Việc truyền dạy cồng chiêng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi những người già biết đánh chiêng cũng dần mất đi.
“Rất khó để vận động bà con gắn bó với cồng chiêng bởi họ còn lo lắng việc ruộng rẫy. Bản thân tôi cũng là người đánh chiêng không giỏi, chưa được học các bài chiêng bài bản nên khi tuyên truyền thì bà con không mấy ưng bụng. Nhiều lúc tôi cũng nản lòng. Tuy vậy, tôi vẫn đau đáu với việc níu giữ tiếng cồng chiêng của làng.
Bởi vậy, trong những buổi họp làng, tôi vẫn miệt mài vận động người già chỉ dạy cho lớp trẻ. Thậm chí, trong các buổi họp với chính quyền địa phương, tôi cũng bày tỏ niềm mong mỏi của mình về việc truyền dạy cồng chiêng cho bà con”-ông Char chia sẻ.
Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, cùng với định hướng lâu dài của huyện Đak Đoa về phát triển du lịch gắn với di sản cồng chiêng, tháng 8-2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp cùng chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề cồng chiêng miễn phí cho dân làng Dung Rơ.
Bà Nguyễn Thị Giang-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Kon Gang đã hỗ trợ làng tìm kiếm thành viên cho lớp và tích cực vận động bà con tranh thủ các buổi chiều sau khi đi làm về ra sân nhà rông tham gia học cồng chiêng. “Công tác vận động cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thuyết phục được 40 người trong làng cùng tham gia lớp học. Trong thời gian gần 2 tháng, bà con trở nên hứng thú và gắn bó hơn với cồng chiêng và những điệu xoang”-bà Giang cho biết.
Nhân lên tình yêu với cồng chiêng
Khi phía nhà rông ngân lên những tiếng chiêng trầm bổng, thiết tha, lồng ngực già Alit bỗng rạo rực như thuở còn trai trẻ. Lâu lắm già mới thấy làng mình có những buổi chiều vui và kết đoàn như vậy.
“Xưa nay, người Bahnar làng Dung Rơ không học đánh cồng chiêng bằng cách mở lớp mà chỉ học qua việc truyền-nối như ông dạy cháu, cha dạy con, người già cầm tay chỉ bảo người trẻ… Thế nên, khi tham gia lớp học, chúng tôi thấy rất mới mẻ và hào hứng. Người già như tôi cũng được mời tới lớp học để phối hợp cùng giảng viên chỉ dạy các thao tác cơ bản cho người chưa biết đánh.
Bản thân tôi thì học thêm một số kỹ năng và những bài chiêng bài bản hơn để sau này tham gia gìn giữ, phát triển phong trào cồng chiêng của làng”-già Alit phấn khởi bày tỏ.
Là người chưa được tiếp cận với cồng chiêng nhưng khi được Trưởng thôn vận động tham gia lớp học, anh Plưnh rất hào hứng và tiếp thu nhanh. Anh cho rằng: “Bản thân tôi đã thật thiếu sót khi thờ ơ với cồng chiêng của dân tộc mình trong suốt những tháng năm tuổi trẻ. Giờ được học cồng chiêng cùng bà con, tôi vui lắm.
Sau lớp học, tôi sẽ cùng lớp trẻ trong làng phát huy kỹ năng đánh cồng chiêng và tích cực tham gia vào các lễ hội, cuộc thi của địa phương để đưa âm thanh cồng chiêng của làng Dung Rơ vang xa”.
Có lẽ, ngoài già Alit thì ông Char là người vui mừng hơn hết bởi bao tâm nguyện của ông đã thành hiện thực. Ông những tưởng thật khó để đưa chân bà con tới với lớp học nhưng thật bất ngờ mọi người lại rất háo hức.
Không chỉ 40 thành viên đã đăng ký mà những người dân trong làng cũng tích cực hòa mình vào lớp học. Ai cũng mong chờ tới thời khắc cuối ngày để được hòa mình vào những bài chiêng cùng dân làng. Làng Dung Rơ lại được đắm mình trong tiếng chiêng, điệu xoang truyền đời.
“Giảng viên của lớp học cồng chiêng là những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm truyền dạy cồng chiêng. Được chỉ dạy bài bản, tôi đã hiểu sâu sắc về thanh âm cồng chiêng, cách chỉnh chiêng, tiết tấu từng bài hát.
Sau khi tham gia lớp học, dân làng Dung Rơ hiểu và yêu hơn giá trị văn hóa cồng chiêng. Mong muốn sau lớp học này, chúng tôi được tạo nhiều cơ hội để đi biểu diễn ở nhiều nơi, qua đó góp phần giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc”-ông Char bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang-cho biết: Hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở lớp phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Đặc biệt, dân làng Dung Rơ mong mỏi mở lớp học cồng chiêng.
Nhận thấy đây là nhu cầu thiết thực nên chúng tôi đã tạo điều kiện mở lớp học tại làng và được bà con đồng tình ủng hộ nên khóa học rất thành công. Ban đầu, lớp chỉ có 15 thành viên đủ tiêu chuẩn theo học. Thế nhưng sau đó, người làng tự nguyện xin vào học nên lớp lên đến 40 người. Học viên nhỏ tuổi nhất mới học lớp 10, còn người lớn nhất gần 60 tuổi. Rất mừng là bà con đã tự ý thức được việc học cồng chiêng để duy trì và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.
Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa-thông tin: Thời gian qua, huyện tăng cường triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, người dân có cơ hội tìm việc làm và thu nhập ổn định. Năm 2024, Trung tâm mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 474 lao động theo học.
“Trong số 14 lớp học nghề có 1 lớp học cồng chiêng cho bà con làng Dung Rơ. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, cùng với định hướng lâu dài của huyện về phát triển du lịch gắn với di sản cồng chiêng nên Trung tâm quyết định mở lớp dạy miễn phí cho bà con. Lớp học có hiệu ứng tích cực khi được bà con hào hứng đón nhận”-bà Lai cho biết thêm.