(GLO)- Các trường học trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong chống rác thải nhựa. Thầy Trần Duy Lộc-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tới tất cả giáo viên và 1.418 học sinh thông qua các buổi chào cờ, các tiết học.
Ngoài ra, mỗi tháng, nhà trường cũng tổ chức cho các khối học luân phiên thiết kế, biểu diễn thời trang tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa với trang phục làm từ phế liệu như: chai nhựa, quần áo cũ, sách-giấy cũ. Mới đây, nhà trường tổ chức “Hội chợ ẩm thực nói không với rác thải nhựa” với 17 gian hàng do học sinh tự tay nấu các món ăn và gói bằng lá chuối hoặc giấy để bán cho thầy-cô giáo và các bạn trong trường.
“Những hoạt động này nhằm hình thành cho các em những thói quen tốt trong chống rác thải nhựa, đặc biệt là tăng cường sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần”-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Em Phan Bùi Ngọc Hân (lớp 9.8) cho biết: “Được tuyên truyền và trải nghiệm các hoạt động do nhà trường tổ chức, em hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và từ đó có ý thức hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần”.
|
Thùng rác 3 ngăn giúp học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi biết phân loại rác thải để hạn chế rác thải xả ra môi trường. Ảnh: Nhật Hào |
Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư), phong trào chống rác thải nhựa cũng được quan tâm thực hiện. Thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Ngoài nói không với việc sử dụng chai nhựa, ly nhựa đựng nước cuộc họp, nhà trường cũng tích cực tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa vào các buổi chào cờ, ngoại khóa, các buổi sinh hoạt lớp, các tiết học. Đồng thời, nhà trường tổ chức phong trào “1 phút làm đẹp trường lớp” để hình thành cho các em ý thức tham gia gìn giữ vệ sinh, không vứt rác bừa bãi.
Cuối năm học 2018-2019, nhà trường đặt thùng rác 3 ngăn trong sân trường để các em tự phân loại rác thải nhựa, rác thải tái chế và giấy, báo cũ. Các loại rác thải tái chế sẽ được thu gom bán gây quỹ mua quà tặng học sinh nghèo.
Đặc biệt, tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương), chúng tôi khá ấn tượng với mô hình bồn rửa tay, các chậu hoa và nhiều đồ chơi làm từ phế liệu là các chai nhựa, thùng lau nhà, mũ bảo hiểm, thau nhựa... Hiệu trưởng Trần Thị Thủy cho hay: Ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng các hình ảnh trực quan sinh động thông qua các khẩu hiệu đặt trong khuôn viên trường, hàng năm, nhà trường cũng tổ chức cho các em tham gia hội thi vẽ tranh về môi trường và cùng giáo viên thi làm đồ chơi từ phế liệu.
“Những hoạt động này vừa tạo ra sân chơi vừa giúp các em hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ đó tạo cho các em thói quen chống rác thải nhựa bằng những việc làm hữu ích, phù hợp với lứa tuổi như: không vứt rác thải bừa bãi, biết tận dụng rác thải nhựa làm các vật dụng hữu ích. Với những kết quả đạt được, nhà trường đạt giải C Giải thưởng môi trường toàn tỉnh lần thứ II-2020”-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
|
Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) tham gia thi làm đồ chơi từ phế liệu là rác thải nhựa. Ảnh: Nhật Hào |
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku-thông tin: Ngay từ khi phong trào chống rác thải nhựa được phát động, chúng tôi đã triển khai nội dung, giải pháp thực hiện tới tất cả các trường học như: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phong trào “Chống rác thải nhựa” đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; nghiêm túc thực hiện cam kết hạn chế, tiến tới không sử dụng bao bì ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy; đưa nội dung này thành tiêu chí đánh giá trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn.
“Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa có sự tham gia của cộng đồng; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường và chia sẻ, nhân rộng các mô hình chống rác thải nhựa hiệu quả nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về tác hại của rác thải nhựa cũng như dần hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố khẳng định.
NHẬT HÀO