"Kỹ sư" của làng A Mơng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Siu Plô-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) còn tích cực giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng nếp sống mới.
Rót ly trà mời chúng tôi tại nhà riêng, ông Plô cho biết: Ông sinh năm 1959. Năm 1977, ông lập gia đình và sinh sống tại làng A Mơng. Lúc đó, thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào lúa rẫy và bắp nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Năm 2000, qua đọc sách báo, ông thấy cây sầu riêng phù hợp với vùng đất Ia Mơ Nông. Sau đó, ông quyết định vay 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua 117 cây giống về trồng. Ông Plô bộc bạch: “Hồi đó, trong khi bà con đang ồ ạt trồng cây cà phê thì mình lại trồng sầu riêng. Thấy vậy, bà con trong làng đều tò mò đến xem, nhiều người bảo mình dở người. Nhưng mình vẫn tin vào loại cây này. Khi cây sầu riêng lớn, mình trồng xen cà phê. Vì thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên lúc đầu cây thường bị sâu bệnh. Hễ có lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi là mình sắp xếp đi học và ghi chép cẩn thận. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, mình lại đến các đại lý phân bón để học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, vườn sầu riêng của mình đã được chăm sóc đúng cách và phát triển tốt”.
Sau 4 năm chăm sóc, vườn sầu riêng đã cho thu hoạch. Mỗi vụ, gia đình ông bán được 200 triệu đồng. Từ số tiền này, ông Plô tiếp tục chuyển 1 ha đất lúa thiếu nước sang trồng 500 cây dừa xiêm, đồng thời mua thêm cặp bò sinh sản về nuôi. Đến nay, ông sở hữu 2 ha cà phê trồng xen 160 cây sầu riêng, 2 ha bời lời, 3 sào lúa nước và 8 con bò. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 250 triệu đồng/năm. Với kinh nghiệm làm kinh tế giỏi và uy tín với dân làng, năm 2018, ông Plô được bầu làm Trưởng thôn. Năm 2021, ông chuyển sang làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Ông Plô tâm sự: “Lúc trước, đời sống bà con trong làng rất khó khăn, cùng với các tập tục lạc hậu gây cản trở rất nhiều việc phát triển kinh tế. Để làm tròn trách nhiệm với người dân, mình vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp họ vươn lên thoát nghèo”. Nhờ ông vận động, hướng dẫn, đến nay, hầu hết bà con làng A Mơng đều trồng xen cây cà phê với sầu riêng. Hiện tại, làng A Mơng chỉ còn 33 hộ nghèo.
Ông Siu Plô (bìa trái) trao đổi với Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông về cách giúp dân làng A Mơng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: R’Ô Hok
Ông Siu Plô (bìa trái) trao đổi với Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông về cách giúp dân làng A Mơng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: R’ô Hok
Ông Rơ Châm Hêng nhận xét: “Ông Plô giống như kỹ sư nông nghiệp của làng vậy. Ông am hiểu tường tận về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhất là cây sầu riêng và tích cực chỉ bảo cho bà con làm theo. Ngày trước, hơn 2 ha rẫy của gia đình mình chỉ trồng cà phê. Từ khi thấy ông Plô trồng sầu riêng mang lại thu nhập khá, mình đã trồng xen 20 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Vì vậy, gia đình mình cải thiện được thu nhập”.
Không chỉ vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều năm nay, ông cùng tổ hòa giải phân xử nhiều vụ mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng. Tiếng lành đồn xa, ông còn hòa giải mâu thuẫn ở làng khác. Đơn cử như trường hợp anh R.C.Đ. và chị R.C.V. (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) có tình cảm với nhau. Thấy chị V. có thai nên anh Đ. bỏ nhà ra đi, khiến cho gia đình chị V. xấu hổ với buôn làng. Nắm được tình hình đó, ông Plô cùng tổ hòa giải của làng đến nhà phân tích, khuyên bảo. Nhờ cách phân xử hợp tình, hợp lý nên anh Đ. đã nhận ra lỗi lầm và trở về sống hạnh phúc cùng chị V.
Ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông: “Ông Siu Plô là điển hình sản xuất giỏi và tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, ông Plô còn thường xuyên giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng và xóa bỏ tập tục lạc hậu”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.