Diện mạo nông thôn xã Kông Htok ngày càng khởi sắc. Ảnh: Q.T |
Theo ông Dương Duy Hùng-Chủ tịch UBND xã Kông Htok, sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo của xã ngày càng khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm từng bước được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, toàn bộ đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều được nhựa hóa; đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 70% đường ngõ sạch và không lầy lội vào mùa mưa; trên 76% đường trục chính nội đồng đảm bảo cho người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Đặc biệt, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/năm… Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, năm 2020, Kông Htok được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015-2020.
Trước đây, đời sống của gia đình ông Siu Beng (làng Dơ Nông Ó) gặp nhiều khó khăn. Nhờ được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cũng như hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập của gia đình dần ổn định. Ông cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn lắm, phụ thuộc toàn bộ vào 5 sào mì nên cái đói, cái nghèo cứ theo bám. Từ khi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, mình chuyển đổi trồng cà phê và trồng thêm bắp, đậu. Giờ đây, mình đã có hơn 1 ha cà phê, 5 sào lúa nước và 5 sào trồng các loài cây ngắn ngày. Mỗi năm, mình thu được hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Không những phấn khởi khi kinh tế gia đình được cải thiện, anh Rmah Chê (làng Kjai Tăng) cũng rất vui mừng khi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. “Trước đây, vào mùa mưa, các tuyến đường trong làng lầy lội, không thể đi lại được, còn mùa nắng thì bụi mù mịt. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự chung sức của bà con dân làng, các tuyến đường đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, tạo thuận lợi trong đi lại cũng như giao thương. Riêng gia đình mình, từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê, chanh dây và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất, hiệu quả kinh tế tăng đáng kể. Năm vừa rồi, gia đình thu được trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư”-anh Chê chia sẻ.
Đời sống kinh tế gia đình anh Rmah Chê (làng Kjai Tăng) ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T |
Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá lại theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, xã hiện chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Các tiêu chí bị “rớt hạng” gồm: giao thông, cơ sở vật chất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế và môi trường. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương; việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất để học tập và khi có mô hình rồi thì công tác nhân rộng còn chậm.
Chủ tịch UBND xã Kông Htok thông tin thêm: “Thời gian tới, xã tiếp tục huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập của người dân cũng như giảm tỷ lệ hộ nghèo”.