Kbang chăm lo gia đình nạn nhân chất độc da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có 14 cơ sở Hội với hơn 2.300 hội viên. Trong đó, hơn 750 người bị nhiễm, nghi nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những năm qua, Hội đã tích cực hỗ trợ để gia đình nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống.
5 năm qua, các cấp Hội đã vận động gần 1,3 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 13 căn nhà cho nạn nhân với số tiền gần 840 triệu đồng; hỗ trợ 30 triệu đồng cho 2 gia đình nạn nhân để mua bò sinh sản; tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng hàng ngàn suất quà; đưa 66 người đi xông hơi-giải độc; vận động 2 doanh nghiệp hỗ trợ nuôi dưỡng 2 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam với định mức 200.000 đồng/tháng/cháu; cho 4 gia đình đối tượng vay vốn không tính lãi để chăn nuôi với số tiền 40 triệu đồng...
Bà Ngô Thị Hồng Tâm (thôn 4, xã Đông) cho biết: Vợ chồng bà sinh được 2 người con thì 1 bị nhiễm chất độc hóa học đang được Nhà nước trợ cấp hàng tháng. Vừa qua, gia đình bà được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Ngoài ra, gia đình còn được Hội hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. “Nhờ sự giúp đỡ của Hội, gia đình tôi không còn quá khó khăn như trước đây. Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để chăm lo các con”-bà Tâm bộc bạch.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang thăm gia đình bà Ngô Thị Hồng Tâm. Ảnh: Hà Phương
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang thăm gia đình bà Ngô Thị Hồng Tâm. Ảnh: Hà Phương
Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cũng đã huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ nạn nhân da cam phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.  
Do ảnh hưởng chất độc da cam nên đôi chân chị Đinh Thị Hme (thôn 1, xã Đông) bị dị tật, không thể di chuyển được. Chị Hme thổ lộ: “Khi lập gia đình, tôi sợ con sinh ra sẽ dị dạng giống mình, nhưng may mắn cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Đó là động lực để tôi cố gắng phấn đấu. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã giúp gia đình tôi vay 10 triệu đồng không tính lãi để chăn nuôi dê. Từ 2 con dê giống ban đầu, đến nay, đàn dê đã hơn 10 con. Ngoài nuôi dê, tôi còn kết hợp nuôi cá, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 50 triệu đồng. Hiện tại, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Chị Đinh Thị Hme cùng con gái bên khung dệt trong căn nhà của mình. Ảnh: Hà Phương
Chị Đinh Thị Hme cùng con gái bên khung dệt trong căn nhà của mình. Ảnh: Hà Phương
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, bà Nguyễn Thị Lý-chủ Doanh nghiệp tư nhân Lý Kinh (tổ 10, thị trấn Kbang) đã có nhiều việc làm thiết thực. Bà Lý chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam. Hơn 3 năm qua, gia đình tôi nhận hỗ trợ 2 cháu Đinh Văn Thân (làng Nắk, thị trấn Kbang) và Đinh Thị Thúy (làng Tăng, xã Lơ Ku) mỗi cháu 200.000 đồng/tháng. Tôi mong muốn ngày càng nhiều nhà hảo tâm giúp các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn”.
Trao đổi với P.V, ông Chu Văn Định-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện chế độ, chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, giữ vững vai trò là cầu nối với các nhà hảo tâm để có hướng giúp đỡ thiết thực, kịp thời các nạn nhân và gia đình họ”. 
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.