Một trong những giải pháp để xây dựng, củng cố tổ chức của Hội Nông dân xã Ia Tô là thường xuyên phối hợp với chi ủy chi bộ các thôn, làng tổ chức sinh hoạt định kỳ; đổi mới nội dung và hình thức tập hợp hội viên, xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt. Hiện tại, Hội Nông dân xã có hơn 1.500 hội viên, chiếm khoảng hơn 90% hộ sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Chín cho biết: Xã có 8 thôn người Kinh và 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống ở các làng còn khó khăn. Vì vậy, Hội lấy nhiệm vụ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế làm trọng tâm và đề ra nhiều biện pháp để thực hiện.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm; vận động gia đình hội viên giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Hàng năm, Hội chủ động phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhằm phát triển kinh tế tập thể gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã phối hợp với Công ty TNHH Sơn Huyền Phát Gia Lai vận động hội viên nông dân tham gia tổ hội nghề nghiệp cà phê bền vững; qua đó thành lập được 11 tổ với 300 hộ tham gia. Trên địa bàn xã hiện có 4 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 2 hợp tác xã (HTX), 1 nông hội và 1 tổ liên kết sản xuất.

Các mô hình kinh tế tập thể bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp hướng dẫn hội viên đăng ký sản phẩm OCOP...
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô. Hiện HTX có hơn 100 thành viên với tổng diện tích cây ăn quả gần 170 ha, chủ yếu chuyên canh sầu riêng và chôm chôm. Ông Lê Trung Giang-Giám đốc HTX-cho biết: “Việc chuyển đổi từ một số cây trồng truyền thống của địa phương sang trồng các loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ tích cực của huyện và xã trong việc xây dựng vườn cây đầu dòng, đăng ký nhãn hiệu, góp phần nâng cao thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm”.
Để hỗ trợ vốn cho hội viên sản xuất, xây dựng nhà ở, Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình vốn ủy thác với khoảng 330 tổ viên vay hơn 13,5 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT triển khai một số kênh vốn sản xuất. Các chi hội cũng đã tích cực vận động hội viên tham gia đóng góp xây dựng nguồn quỹ nội bộ và giải ngân cho hộ khó khăn vay để phát triển kinh tế...
Với việc đẩy mạnh triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, toàn xã có hơn 500 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình như ông Nguyễn Văn Cường (thôn 6) với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi; ông Rơ Châm Pích (làng De Lung 2) với mô hình đa canh nhiều loại cây trồng gồm lúa nước, cà phê, điều, sầu riêng và chăn nuôi bò, mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm...

Trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, các chi/tổ hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân hiến đất và tham gia gần 250 ngày công làm đường giao thông, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, lắp 100 bóng đèn chiếu sáng trên tuyến tỉnh lộ 664…
Hội viên, nông dân còn tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thu gom rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thường xuyên chăm sóc cây xanh các tuyến giao thông nông thôn. Hội còn đứng ra thành lập đội dịch vụ môi trường thu gom rác thải trên địa bàn. Đến nay, xã có 3 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới và đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND huyện công nhận thêm 1 làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, Hội Nông dân còn phối hợp với UBND xã và các nhà hảo tâm xây dựng 5 ngôi nhà và sửa chữa 3 ngôi nhà cho hộ nghèo; vận động hội viên đóng góp 145 triệu đồng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn; vận động nông dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; phối hợp với các đơn vị tài trợ cây giống và con giống để sản xuất... Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2024 còn 3,63% (tương đương giảm 99 hộ nghèo so với năm 2021).
Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-đánh giá: Hội Nông dân xã Ia Tô đã phát huy khá tốt vai trò hỗ trợ hội viên, nông dân phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có về đất đai, lao động để phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu nhập. Hội cũng triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân người dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.