1. Đang trong những ngày mưa bão thì trời bỗng tạnh ráo, hửng lên khi ông Thảo cùng đồng đội đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) dịp 27-7. Như một sự kết nối linh thiêng, kỳ lạ nào đó giữa những người lính từng sống chết vì nhau, vì Tổ quốc.
Không khí cô tịch nơi nghĩa trang tan hòa trong tiếng gió reo khi người cựu lính tình nguyện Việt Nam tham gia giải phóng Nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot cất giọng hát trầm ấm giữa hàng ngàn đồng đội nằm đó, phần lớn là liệt sĩ chưa xác minh được tên tuổi. Mới vài câu đầu, những đồng đội đi cùng đoàn đã rướm nước mắt: “Tiễn con đi chưa lần gặp lại/Đón con về Tổ quốc ghi công/Nén nhang hồng mẹ chưa kịp thắp/Nơi quê nhà mẹ đã theo con (…)/Dọc dọc ngang ngang đồng đội nằm thẳng tắp/Hàng hàng lớp lớp trước sau đều như một/Máu các anh tô màu cờ đỏ/Xương các anh đắp xây tượng đài…”.

Kết thúc phần trình diễn đầy cảm xúc dù không tiếng vỗ tay tán thưởng, ông Thảo cho hay, bài hát có tên “Lá hết vàng thu” nói trên mang một “lý lịch” đặc biệt khi được các cựu chiến binh Đoàn 5502, từng đóng quân ở tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) sáng tác, phổ nhạc dựa trên câu chuyện về sự hy sinh của một đồng đội trong đơn vị. Nỗi đau riêng trở thành khái quát chung về hình ảnh những người đã dành cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn thoát họa diệt chủng. “Đồng đội chúng tôi mỗi lần hội ngộ đều thích nghe bài này, vì ai cũng thấy mình trong đó”-ông Thảo trò chuyện.
Những ngày tháng làm nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu bên ngoài Tổ quốc đã đi thẳng vào bài hát, thành ký ức không thể xóa nhòa trong đời lính: “Ngày xưa đó băng rừng vượt dốc/Bụi nghìn trùng, rệu rã đôi chân/Trời thu khuya cỏ cây bất động/Cơn rét rừng, cánh võng đong đưa/Vắt cơm khô chỉ là bắp đá/Khi nuốt vào nước mắt trào dâng/Bình tông khô, dòng suối cũng khô/Cơn khát này sao mãi đầy vơi…”.
Dù được sáng tác bởi một nhạc sĩ nghiệp dư là cựu lính tình nguyện Việt Nam song ca khúc gây ngạc nhiên bởi cách “kể chuyện” bằng âm nhạc mang hơi hướng trường ca với những đoạn cao trào ấn tượng cả về tiết tấu, giai điệu lẫn cảm xúc. Khi trầm hùng, lúc bi thương, nhất là về sự hy sinh của một người lính cáng thương do giẫm phải mìn khi đưa đồng đội về trạm phẫu: “Rồi một sớm đất trời nghiêng ngả/Anh bay lên cùng chiếc cáng thương/Srê-Thum, bản Cháy anh nằm đó/Thung lũng buồn, lá hết vàng thu”.
Người lính ấy là liệt sĩ Nguyễn Văn Tây (SN 1958, quê Cam Ranh, Khánh Hòa), hy sinh ngày 20-11-1979. Ông nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, sau đó được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Ninh Hòa-Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa).
2. Từ câu chuyện của ông Thảo, chúng tôi có dịp trò chuyện với những người trong cuộc liên quan đến ca khúc đã được ông Thảo hát đi hát lại bao nhiêu lần không nhớ nổi, lúc cho người đã mất, lúc tặng người còn đây, nhưng lần nào cũng lấy đi không ít nước mắt đồng đội.

Người được ông Nguyễn Văn Tây cáng thương hôm ấy là ông Lê Ngọc Hội, hiện sống tại phường Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ông Hội hồi tưởng: “Anh Tây là người rất hiền lành. Anh và tôi cùng tiểu đội, ăn cùng mâm. Qua những lần tâm sự, tôi được biết ba anh mất sớm, anh chỉ còn mẹ”.
Ngày 20-11-1979, trong 1 trận đánh với quân Pol Pot ở bản Cháy, ông Hội bị thương ở đầu và chân do trúng đạn và bị mảnh M79 văng trúng. Ông Tây cùng một đồng đội nữa bươn tới đưa ông lên cáng, cắt rừng về trạm xá. Đường tắt nhiều cây bụi thấp cứa vào lưng võng khiến ông Hội kêu đau. Thương bạn, ông Tây bèn liều mình khiêng đồng đội băng ra đường mòn, dù đây là nơi thường xuyên bị địch gài mìn. Và rồi người lính trẻ cáng thương hôm ấy giẫm trúng mìn, hy sinh khi tuổi mới đôi mươi, chưa từng ngỏ lời yêu một người con gái.
Trở về đời thường với rất nhiều khó khăn thời hậu chiến, ông Hội lao vào cuộc mưu sinh và vẫn để tâm tìm nơi bạn nằm nhưng không gặp. Một sớm cách đây 9 năm, khi đang cùng đồng đội thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ninh Hòa-Vạn Ninh, ông Hội bất ngờ bước đến trước một ngôi mộ có thông tin trùng khớp với người bạn, người ân nhân mà ông tìm kiếm. Tìm hiểu mới biết, ngôi mộ này không có người thân đến nhang khói kể từ lúc mẹ ông Tây qua đời sau khi nhận tin dữ, người em còn lại cũng rời quê đi làm ăn xa không thấy trở về.

Chứng kiến ông Hội cứ bần thần ngồi mãi bên ngôi mộ, không chịu ra về, một đồng đội cũ là ông Trương Thế Trung sau đó đã làm tặng bài thơ “Giỗ bạn”. Nhiều ý tứ hay trong bài thơ này đã trở thành cảm hứng để ông Trần Công Tài-đồng đội cùng đơn vị, nguyên Giảng viên Đại học Nha Trang-phổ nhạc thành ca khúc “Lá hết vàng thu”. Ông Tài chia sẻ: “Tôi không phải nhà thơ, cũng không là nhạc sĩ, nhưng bản thân cũng đã trải qua những ngày chiến đấu trên đất bạn nên khi đọc bài thơ, âm nhạc cứ tự ngân lên trong đầu”.
Tuy nhiên, do ông Tài không giỏi về nhạc lý nên ông Thảo là người ký âm và thể hiện thành công ca khúc này suốt gần chục năm qua. Dịp 27-7 năm nay, trong hành trình về lại chiến trường xưa, thăm các nghĩa trang cũ, tượng đài hữu nghị ở các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear, Oddar Meanchey… (Vương quốc Campuchia) và Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, đến đâu ông Thảo cũng hát tặng bài hát này. Mỗi lời hát cất lên đều khiến đồng đội có mặt quay đi lau nước mắt, bản thân ông nhiều lúc cũng phải ghìm lòng để hát tiếp. Cảm xúc mãnh liệt ấy chỉ những người đã trải nghiệm sự mong manh sinh tử, chứng kiến đồng đội vừa mới nói cười đã ra đi lặng lẽ mới hiểu nổi.

Đó là lý do cứ đến ngày rằm, mùng 1 và vào ngày giỗ bạn hàng năm (29-9 Âm lịch), vợ chồng ông Hội đều chạy xe máy khoảng 30 km từ nhà ra nghĩa trang thăm mộ, làm đám giỗ bằng ân tình lớn lao dành cho người đã ngã xuống để mình được sống.
Đó cũng là cơ duyên để chúng tôi được lặng nghe ông Thảo cất tiếng hát giữa nghĩa trang lộng gió, như là tâm tình, như là an ủi và cũng là ghi ơn sự quên mình của một lớp thanh niên ưu tú, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.