Hàng ngàn hộ dân huyện Chư Sê lo bị cắt nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng ngàn hộ dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có nguy cơ bị cắt nước sinh hoạt vì Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê không có khả năng chi trả tiền điện.

Ngày 18-10, Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê có thông báo gửi UBND huyện, các xã, thị trấn và ban, ngành liên quan về việc tạm ngưng cấp nước sinh hoạt trên toàn huyện từ 16 giờ cùng ngày. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là do đơn vị chưa thanh toán tiền điện tháng 9 và phía Điện lực Chư Prông (đơn vị cung cấp điện cho Công ty) đã thông báo sẽ tạm dừng cung cấp điện nếu không thanh toán trong ngày 18-10.

Anh Kyơi (làng Achông, xã Ayun) rất lo lắng khi nghe thông tin Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê sẽ tạm ngưng cấp nước sinh hoạt trên toàn huyện. Ảnh: Q.T

Anh Kyơi (làng Achông, xã Ayun) rất lo lắng khi nghe thông tin Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê sẽ tạm ngưng cấp nước sinh hoạt trên toàn huyện. Ảnh: Q.T

Trước thông tin này, nhiều hộ dân huyện Chư Sê không khỏi lo lắng, thậm chí chuẩn bị tâm lý “sống chung” với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ngay trong ngày 18-10, bà Võ Thị Mỹ Loan (tổ 8, thị trấn Chư Sê) đã tận dụng tất cả dụng cụ có thể để chứa nước.

Bà Loan cho biết: “Từ chiều 18-10, thấy báo chí, mạng xã hội lan truyền thông tin Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê sẽ ngưng cấp nước lâu dài, tôi rất lo lắng. Do gia đình tôi kinh doanh quán cà phê nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn. Bên cạnh chủ động trữ nước, tôi cũng đã liên hệ nhà hàng xóm có giếng để xin sử dụng khi cắt nước. Tháng 4 vừa rồi, bị cúp nước đột xuất, tôi không trở tay kịp, phải chạy đôn chạy đáo chở từng can nước về dùng”.

Không chỉ người dân thị trấn Chư Sê mà hàng ngàn hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt tập trung do Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê cấp ở các xã Dun, Ayun, Hbông… cũng như “ngồi trên đống lửa” khi nghe thông tin trên.

Anh Kyơi (làng Achông, xã Ayun) cho biết: “Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư công trình nước tập trung, 108 hộ dân trong làng đều rất phấn khởi vì được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh và không phải đi xa ra suối lấy nước. Khi nghe Công ty ngưng cấp nước, mình cũng như người dân trong làng rất lo lắng. Mình cũng đã chủ động hứng nước mưa dự trữ, phòng khi bị cắt nước”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Vinh Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê-cho biết: Sau khi lãnh đạo UBND huyện can thiệp thì đến thời điểm này (sáng 19-10), Điện lực Chư Prông chưa tiến hành cắt điện. Vì vậy, Công ty vẫn cấp nước bình thường cho người dân. Tuy nhiên, Điện lực Chư Prông cũng ra thông báo mới yêu cầu Công ty phải đóng tiền điện trước ngày 20-10, nếu không sẽ dừng cung cấp điện. Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành có liên quan làm việc với Điện lực Chư Prông đề nghị tạm thời không cấp điện để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan quan tâm tạo điều kiện để nhà máy nước của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê duy trì hoạt động. Ảnh: Q.T

Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan quan tâm tạo điều kiện để nhà máy nước của Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê duy trì hoạt động. Ảnh: Q.T

Theo ông Thịnh, trước đó, Công ty đã có văn bản gửi Điện lực Chư Prông thông báo nguyên nhân chưa đóng được tiền điện tháng 9 là do toàn bộ các tài khoản của Công ty bị khóa và mong họ cho thời gian để xử lý. “Từ ngày 23-9, tất cả tài khoản ngân hàng của Công ty bị khóa và mất tiền mà không biết nguyên nhân vì sao. Sau đó, chúng tôi đã gửi văn bản cho UBND huyện để thông báo sự việc. Ủy ban nhân dân huyện đã hướng dẫn chúng tôi làm việc với Công an huyện để xác định nguyên nhân”-ông Thịnh thông tin.

Cũng theo ông Thịnh, từ năm 2018 đến nay, Công ty đều phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng/tháng do thu không đủ chi. Đặc biệt, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, người dân nợ tiền nước, hạn chế sử dụng nước nên hoạt động của Công ty càng khó khăn. Công ty nợ lương từ tháng 6-2021 đến nay nên nhiều nhân viên xin nghỉ việc. Số nợ bảo hiểm hiện tại khoảng 600 triệu đồng.

“Nhà máy hoạt động từ năm 2018, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Thời điểm khảo sát dự án, dự kiến có 8.000 hộ dân trên địa bàn thị trấn Chư Sê đồng ý sử dụng nước máy. Dù đường ống đã hoàn thiện nhưng khi nhà máy xây dựng xong, đến nay chỉ có khoảng 1.400-1.600 hộ sử dụng nước. Công ty thu tiền nước cũng không đủ để trả lương cho nhân viên. Tôi phải bán tài sản cá nhân để trả một phần lương cho anh em trong Công ty trang trải cuộc sống. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành chung tay hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vấn đề trước mắt, còn đơn vị hết khả năng để vay mượn”-ông Thịnh chia sẻ.

Để đảm bảo cung cấp nước cho người dân không bị gián đoạn, sáng 19-10, UBND huyện Chư Sê đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Công ty Điện lực Gia Lai chỉ đạo Điện lực Chư Prông tạo điều kiện để Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê duy trì hoạt động trong thời gian chờ kết quả làm việc giữa đơn vị này với ngân hàng về nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời, đề nghị Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê duy trì việc cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn, phối hợp giải quyết dứt điểm những vướng mắc với ngân hàng, điện lực theo đúng quy định.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.