Hà Tây đa dạng hình thức hỗ trợ giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp thực tiễn tại địa phương. 

Qua đó, xã đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành động, khơi dậy ý chí của người dân nỗ lực vượt khó từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Hà Tây là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh, cách trung tâm huyện gần 40 km về hướng Đông-Bắc. Xã có 1.088 hộ với 5.736 khẩu, 96% là người dân tộc thiểu số. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống còn khó khăn. Toàn xã hiện còn 275 hộ nghèo và 320 hộ cận nghèo.

nho-su-ho-tro-cua-chinh-quyen-dia-phuong-gio-day-cuoc-song-cua-gia-dinh-ong-vech-bia-phai-o-lang-kon-so-lal-da-dan-on-dinh-anh-kp.jpg
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Vêch (bìa phải) ở làng Kon Sơ Lăl đã dần ổn định. Ảnh: K.P

Ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự điều hành UBND xã, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của xã đã đạt được những kết quả quan trọng.

Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Hà Tây đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, hỗ trợ người dân về học nghề, giải quyết việc làm, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Trong các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, địa phương còn quan tâm hỗ trợ các hộ gặp khó khăn về nhà ở để ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 13 hộ nghèo với tổng nguồn vốn là 527 triệu đồng (44 triệu đồng/hộ); cấp hỗ trợ 11 hộ nghèo nhận bồn nước sinh hoạt (3 triệu đồng/hộ).

Cùng với đó, xã hỗ trợ vay vốn, cây-con giống, phương tiện sản xuất... cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, xã còn vận động các đơn vị, nhà hảo tâm xây mới nhà ở cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở (trị giá 60 triệu đồng/căn nhà)...

co-duoc-can-nha-moi-khang-trang-giup-gia-dinh-ong-vech-o-giua-khong-con-phai-lo-lang-nhu-truoc-day-nua-anh-kp.jpg
Có được căn nhà mới khang trang giúp gia đình ông Vêch (ngồi giữa) ổn định chỗ ở. Ảnh: K.P

Trước đây, cuộc sống gia đình ông Vêch ở làng Kon Sơ Lăl gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh gia đình đông con, đã nhiều năm sống trong căn nhà chật hẹp, xuống cấp. Năm 2023, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng và tạo điều kiện vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng, ông đã xây dựng được căn nhà khang trang.

Ông Vêch bộc bạch: “Từ ngày có được căn nhà mới khang trang, gia đình tôi không còn phải lo lắng khi mùa mưa đến. Chúng tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất, chăm sóc tốt 3 sào lúa nước, 5 sào mỳ để nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Thực hiện các phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, xã Hà Tây thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, có thu nhập ổn định.

Gia đình anh Chơn (làng Kon Chang, xã Hà Tây) thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, trước đây gia đình chỉ độc canh cây lúa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Anh Chơn thổ lộ: “Nhờ được địa phương cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp tôi từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2022, địa phương đã giúp gia đình tôi vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng cây cà phê. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt vườn cà phê và diện tích cao su tiểu điền để có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

anh-chon-lang-kon-chang-xa-ha-tay-dang-cham-soc-vuon-cao-su-cua-gia-dinh-anh-kp.jpg
Anh Chơn (làng Kon Chang) chăm sóc vườn cao su của gia đình. Ảnh: K.P

Hàng năm, xã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp cho người lao động. Không chỉ giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động ngay tại địa phương; Đảng ủy, UBND xã Hà Tây giao các đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên đến làm việc ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, giúp các gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Địa phương luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất ở từng thôn, làng bảo đảm đúng mục đích, đối tượng được thụ hưởng.

"Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, đầy đủ đến người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Điều đáng mừng tại địa phương nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có ý thức chủ động, tự lực vượt khó vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”-Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.