Gia Lai vượt khó vươn lên cùng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, nước ta gặp rất nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực hơn thì Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi trên tất cả mọi lĩnh vực. Với Gia Lai, xác định trong gian nan có cơ hội, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng lòng vượt khó, thực hiện thành công “mục tiêu kép” đề ra. Bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục hiện hữu những gam màu tươi sáng.

Kết quả của nỗ lực và quyết tâm

Không chỉ có dịch Covid-19, trong năm 2021, Gia Lai còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; dịch tả heo châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xảy ra tại một số địa phương. Tất cả đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ-du lịch.

Dự lường trước những khó khăn do đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-11-2020 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 273/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế sau đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, làm tiền đề để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021-2025) mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Trong thời điểm khó khăn nhất, tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu mà tập trung gỡ khó để vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Phú Thiện ngày 3-9-2021. Ảnh: Đức Thụy
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Phú Thiện ngày 3-9-2021. Ảnh: Đức Thụy


Để đạt được mục tiêu đó, trước hết phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng triển khai những biện pháp phòng-chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao; hướng dẫn kịp thời, cụ thể, chi tiết việc đi lại, vận chuyển hàng hóa để đảm bảo sản xuất và điều hành, xử lý công việc, không để gián đoạn; tăng cường kiểm soát, quản lý chặt địa bàn; nhanh chóng truy vết, xét nghiệm trọng điểm để tầm soát, sàng lọc, khoanh gọn, kiểm soát các ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thiết lập 12 bệnh viện điều trị Covid-19 và hệ thống điều trị theo phân tầng, tỉnh còn triển khai phương án oxy y tế để đáp ứng các cấp độ dịch; mua sắm, bổ sung trang-thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc điều trị phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng-chống dịch. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tổ chức 3 đợt đón công dân gặp khó khăn ở các tỉnh phía Nam về tỉnh và khẩn trương tổ chức tiêm chủng để đảm bảo tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng dịch Covid-19 theo đúng kế hoạch.

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, GRDP bình quân đầu người; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách; kim ngạch xuất-nhập khẩu… đều đạt và vượt kế hoạch. Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 4,88%, công nghiệp-xây dựng tăng 21,97%, dịch vụ tăng 1,52%, thuế sản phẩm tăng 64,33%. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 7.592 tỷ đồng, đạt 166,8% so với dự toán Trung ương giao, đạt 150,4% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 65,3% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 610 triệu USD (đạt 100% kế hoạch và tăng 5,17% so với năm 2020). Những con số ấy chính là thành quả bước đầu trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhất là trong phát triển các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 để đề ra giải pháp khắc phục kịp thời trong năm tiếp theo. Theo đó, công tác phòng-chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh; còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng chưa bền vững; tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.

Tiếp tục hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh thuận lợi và cơ hội, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu chúng ta không kiểm soát được dịch Covid-19 một cách cơ bản để mở cửa trở lại. Chưa kể, rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu... cũng sẽ tạo ra những khó khăn và thách thức nhất định.

Trong bối cảnh ấy, UBND tỉnh tiếp tục đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,65%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,44 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.827 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 40.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,99%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025) còn 10,09% với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, UBND tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm nhằm đưa các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh về trạng thái bình thường mới.

Ảnh: Quang Tấn
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn


Cụ thể, tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở. Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030; chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp. Huy động ngân sách, tài chính, khai thác tốt các nguồn thu phục vụ cho phát triển. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; đẩy mạnh công tác giải ngân. Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển vùng trong tỉnh, mô hình liên kết vùng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung; quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các đô thị; đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Nhân dịp năm mới 2022 và Xuân Nhâm Dần đang đến gần, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh lời chúc mừng năm mới hạnh phúc, đoàn kết và thắng lợi. Mong rằng toàn thể chúng ta tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần tự lực tự cường với khát vọng vươn lên để đẩy lùi dịch bệnh cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu mạnh.

 

VÕ NGỌC THÀNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh 

Có thể bạn quan tâm

Ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai ủng hộ hơn 400 triệu đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Sáng 21-2, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động ủng hộ phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Tổng số tiền mà tập thể cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành Kiểm sát và các tổ chức chính trị-xã hội khác đã đóng góp được 424 triệu đồng.

Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

(GLO)- Với “lá chắn cảm xúc” dựng nên từ sự vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí hoàn thành tốt công việc, một số người đã khiến không ít người xung quanh bất ngờ khi biết họ rơi vào rối loạn trầm cảm kéo dài trước đó.

Con trăn gấm trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đã được đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

(GLO)- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để các cơ quan chuyên môn chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là hành động chung tay bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn loài gắn với đa dạng sinh học.

Ông Ksor Khem (thứ 3 từ trái sang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiao) phấn khởi chia sẻ với bà con về kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Bôn H'Liếp đạt chuẩn nông thôn mới

(GLO)- Bôn H’Liếp (xã Ia Sao) và bôn Hiao (xã Chư Băh) của thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) như bừng lên sức sống mới với những con đường bê tông rộng rãi, rợp bóng cờ. Người dân ai cũng phấn khởi, hân hoan vì sau bao nỗ lực, bôn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.