(GLO)- Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 9, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh đã phát hiện 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm (chiếm trên 30% số cơ sở kiểm tra). Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở tỉnh ta vẫn còn rất nhiều điều đáng lo ngại.
Quy trình sản xuất, bảo quản không đảm bảo
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết Trung thu năm nay, điều dễ nhận thấy là tình trạng vi phạm về VSATTP vẫn còn tiếp diễn. Vi phạm phổ biến là không đảm bảo VSATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: nguyên liệu và thành phẩm để lộn xộn trên nền nhà, không che đậy; thực phẩm, thành phẩm không được bảo quản đúng quy định; khu nhà kho cáu bẩn, mất vệ sinh; nhà vệ sinh đặt trong khu sản xuất không đảm bảo quy tắc một chiều; nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất không mặc đồ bảo hộ, không có giấy khám sức khỏe…
Cơ sở sản xuất kem By-Boy bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc. Ảnh: D.Q |
Điển hình như tại cơ sở sản xuất mật ong của ông Phạm Trí Khoa (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê), đoàn kiểm tra phát hiện khu sản xuất mất vệ sinh, tạm bợ; sản phẩm mật ong cũng không được bảo quản đúng quy định, để ruồi, kiến...bu vào. Chủ cơ sở này cũng không được qua đào tạo hay trang bị các kiến thức cơ bản về VSATTP. Hay khi tiến hành kiểm tra cơ sở làm kem, bánh bông lan của hộ kinh doanh Hồ Thị Hằng Nga (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), khu vực sản xuất cũng quá bẩn, không đảm bảo theo quy định…
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh còn phát hiện nhiều cơ sở vi phạm trong việc bảo quản hàng hóa, sản phẩm như để côn trùng, ruồi đậu lên thực phẩm, để mối thâm nhập các thùng thực phẩm hoặc để thực phẩm lẫn lộn với hóa mỹ phẩm… Dù là công ty lớn có nhiều kho hàng, song Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng để một số sản phẩm thực phẩm lẫn lộn với hóa mỹ phẩm, một số thùng hàng bị mối thâm nhập. Cũng mắc lỗi trên, Công ty TNHH một thành viên Nguyên Trường Thịnh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt hành chính. Cá biệt, có cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng khiến đoàn phải lập biên bản đình chỉ hoạt động như cơ sở sản xuất tương đen, tương ớt của bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa (tổ 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku) do điều kiện sản xuất mất vệ sinh, không đảm bảo các trang-thiết bị cơ sở vật chất. Đáng nói hơn là cơ sở này từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục…
Sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc
Cũng trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện một số cơ sở sử dụng nguyên liệu, phụ gia không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến thực phẩm. Trong số này có cơ sở sản xuất kem By-Boy (131 Tôn Thất Tùng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Khi kiểm tra khu vực sản xuất của cơ sở này, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số phụ gia không rõ nguồn gốc được sử dụng để chế biến, sản xuất kem, trong đó có một bao lớn gần 10 kg chất màu trắng không ghi bất cứ thông tin nào về nhãn mác hay xuất xứ. Tiến hành thử bằng cách đốt thì chất này không cháy cũng không tan chảy và có mùi rất khó chịu giống mùi keo dán... Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Lang-chủ cơ sở, cho biết: “Đây là chất chống tan chảy kem-một phụ gia để làm kem, cách sử dụng là nấu lên với tỷ lệ 0,1 kg/180 lít nước rồi trộn vào nguyên liệu làm kem”. Tuy nhiên, bà Lang không cung cấp thông tin về cơ sở bán mặt hàng này mà chống chế: Thấy mấy người bán hàng rong đến nhà chào hàng thì mua với giá 70.000-80.000 đồng/kg, rồi liên lạc qua điện thoại đặt hàng. Nhưng hỏi số điện thoại bà Lang lại kêu mất rồi…
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục VSATTP, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành: Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, nhất là những cơ sở tái phạm nhiều lần. Cụ thể, từ ngày 15 đến 29-9-2017, đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính 10 cơ sở, đồng thời đình chỉ 1 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 40 triệu đồng. Đoàn cũng đã làm việc với các Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại tuyến xã và tuyến huyện, qua đó tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo VSATTP khu vực nông thôn. |
Không chỉ sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất kem, cơ sở này còn sản xuất yaout đóng bì mà không hề có nhãn mác. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất cũng không đảm bảo, yaout thành phẩm để ngổn ngang, không có kệ cách ly với sàn nhà; nhân viên trực tiếp sản xuất cũng không mặc đồ bảo hộ lao động theo quy định; nhà vệ sinh đặt trong khu sản xuất… Đáng sợ là những sản phẩm kem, yaout của cơ sở này chủ yếu phục vụ đối tượng trẻ em, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất kem By-Boy, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số phụ gia không rõ nguồn gốc trên.
Dã Quỳ