Gia Lai quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-4, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.

Vượt chỉ tiêu về giảm nghèo

Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động và tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, tập trung kinh phí triển khai nhiều chương trình, dự án, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo đó, nhiều mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch qua từng năm, nhất là chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung và giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

PCT Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy


Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phạm Trần Anh cho biết: Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 15,75%, bình quân mỗi năm giảm trên 3,15% (vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra). Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 14.943 hộ nghèo (chiếm 3,96%), trong đó có 12.945 hộ DTTS (chiếm 86,63% tổng số hộ nghèo); 34.202 hộ cận nghèo (chiếm 9,05%), trong đó có 27.847 hộ DTTS. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 40,18% (năm 2015) xuống còn 8,18% (năm 2021), bình quân mỗi năm giảm trên 5,33% (cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra). Cuối năm 2021, 128/182 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%. Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh ta không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm.

Ông Phạm Huy Vân-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro)-cho hay: Bình quân mỗi năm, xã giảm 8,83% hộ nghèo (từ 59,70% năm 2016 xuống còn 6,73% năm 2021). Để làm được điều đó, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, xử lý linh hoạt những khó khăn, vướng mắc và vận động người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, phân công nhiệm vụ từ cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã phụ trách từng thôn, từng hộ; xây dựng kế hoạch, định hướng và cụ thế hóa việc thực hiện công tác giảm nghèo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh-Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ)-chia sẻ: “Cùng với việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn, UBND xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn để người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho hộ nghèo cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,71% (năm 2017) xuống còn 10,84% (năm 2021).

Là 1 trong 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh (chiếm 40,23% năm 2016), Krông Pa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,16%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 12,84% (giảm 40,76% so với năm 2016). Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-chia sẻ: “UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tổ chức đăng ký thoát nghèo và phân công các lực lượng theo dõi, giúp hộ nghèo vươn lên; chú trọng triển khai các giải pháp, hình thức hỗ trợ phù hợp, hướng dẫn các địa phương kiện toàn bộ máy thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cấp xã. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra, giám sát, đánh giá không để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong rà soát xác định đối tượng và thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo”.

Công tác giảm nghèo cần thực chất

Phó Chủ tịch HĐND Ayun H'Bút tham gia ý kiến. Ảnh: Anh Huy
Phó Chủ tịch HĐND Ayun H'Bút tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy


Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đóng góp giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 45.688 hộ nghèo (chiếm 12,09% tổng số hộ dân trên địa bàn), trong đó có 40.475 hộ DTTS; 33.866 hộ cận nghèo, trong đó có 24.839 hộ DTTS. Đề cập nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo sau khi rà soát theo tiêu chuẩn đa chiều tăng cao tại địa phương, ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho rằng: Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thu nhập của người dân; đại dịch Covid-19 khiến trên 10 ngàn lao động của huyện đi làm ăn xa trở về địa phương, không có nguồn thu nhập; do tách hộ và số hộ cận nghèo trong giai đoạn 2016-2021 còn cao… Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, chú trọng trong vùng đồng bào DTTS và phấn đấu giảm 3%-5% hộ nghèo/năm.

Giai đoạn 2022-2025, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh bình quân 2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều trong giai đoạn 2022-2025; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và có kế hoạch, giải pháp căn cơ hơn nữa. Theo đó, các địa phương cần nhanh chóng xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vì đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao trong vùng đồng bào DTTS.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút cho rằng cần phải có giải pháp căn cơ tránh tình trạng giảm nghèo thiếu bền vững. Các địa phương nghiên cứu vận dụng các mô hình hiệu quả, triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hộ nghèo áp dụng thực hiện, vươn lên trong cuộc sống. Quyết tâm ngăn chặn không để “tín dụng đen” len lỏi vào các buôn làng và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không bán đất ở, đất sản xuất.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên các sở, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo. Với quan điểm thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo quốc phòng-an ninh trong toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng mục tiêu giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Cơ quan thường trực và các địa phương rà soát, bổ sung số liệu, phân tích làm rõ tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nói chung và hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS. Thực hiện phương châm tỉnh phân tích huyện, huyện phân tích xã và phải cụ thể đến từng thôn, làng và hộ dân. Việc phân tích phải rõ ràng, cụ thể theo các chiều thiếu hụt giai đoạn mới, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể và yêu cầu thực hiện. Đặc biệt, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần tổ chức rà soát, làm rõ nguyên nhân và nêu nhiệm vụ, giải pháp đối với 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo 20% trở lên; các xã 100% đồng bào DTTS nghèo.

Huyện Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo nuôi dê góp phần giảm nghèo bền vững- ẢnhĐinh Yến
Huyện Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo nuôi dê góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Đinh Yến


Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, thống nhất triển khai thực hiện và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia vì đích đến cuối cùng vẫn là giảm nghèo bền vững; khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các đối tượng yếu thế. Đề xuất HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội và có những phản hồi để UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nhằm đưa công tác giảm nghèo ngày càng đi vào thực chất. Cùng với đó, UBND tỉnh đang xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề về định mức, tiêu chí phân bổ mức đầu tư về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sẽ sớm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
 

ANH HUY - ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.