(GLO)- Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm giúp người lao động phòng tránh tai nạn, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Để nâng cao nhận thức pháp luật về ATVSLĐ, hàng năm, Sở phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công tác quản lý lao động, người lao động, nhất là người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác này. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch treo 303 khẩu hiệu tuyên truyền về ATVSLĐ; phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tuyên truyền thông qua hàng loạt tin, bài, phóng sự. Liên đoàn Lao động tỉnh đăng 50 bài viết trên báo, tạp chí, Fanpage của Công đoàn; phát hành 526 tờ rơi, 117 quyển ấn phẩm, hướng dẫn các cơ sở treo 921 băng rôn, phát động 58 phong trào thi đua về ATVSLĐ. Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền 318 buổi với 9.520 lượt hội viên tham gia; chia sẻ 1.350 tin, bài tuyên truyền trên wesite, Fanpage, Zalo của Hội với hơn 16.800 lượt người tiếp cận… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 6 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ.
|
Công nhân làm việc tại Nhà máy gạch tuynel Thái Hoàng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động. Ảnh: Đinh Yến |
Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho hay: “Thực thi hiệu quả chính sách ATVSLĐ là trách nhiệm của đơn vị. Qua đó, công nhân, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Đó là cơ sở để cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Mỗi năm, Công ty đã chi trên 12 tỷ đồng để thực hiện chính sách ATVSLĐ cho hơn 2.000 cán bộ, công nhân, người lao động”.
Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp còn rà soát, đo kiểm môi trường lao động làm cơ sở xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này như: Công ty TNHH một thành viên 75 (Binh đoàn 15) tổ chức khám sức khỏe cho 1.727 lao động; Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang khám sức khỏe cho 1.301 lao động; Viễn thông Gia Lai khám sức khỏe cho 201 lao động; Công ty cổ phần Điện Gia Lai khám sức khỏe định kỳ cho 250 lao động; Công ty Thủy điện Ia Ly khám sức khỏe cho 234 lao động…
Các ngành, các địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, đặc biệt là trong sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. 9 tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 56 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 97 cơ sở, doanh nghiệp, phát hiện 173 vi phạm. Các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện 283 cuộc tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập.
|
Cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tham gia Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức. Ảnh: Đinh Yến |
Theo ông Nguyễn Hữu Tùng, qua kiểm tra cho thấy, việc quản lý, thực thi pháp luật về ATVSLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là do hầu hết doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu, nhà xưởng sản xuất thô sơ, thiếu khả năng đầu tư cải thiện môi trường làm việc và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cũng như việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động vẫn còn cao. 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết, 1 người bị thương (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước).
Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ATVSLĐ, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý các vụ vi phạm, tai nạn lao động. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chế độ, chính sách bảo hộ lao động, ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động nâng cao nhận thức chấp hành nghiêm nội quy, pháp luật về ATVSLĐ; làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ”.
ĐINH YẾN