Gia Lai: Người dân trở lại với công việc thường nhật sau 3 ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 ngày vui chơi đón chào năm mới, ngày mùng 4 Tết, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã quay về với công việc thường nhật quen thuộc. Tại một số địa điểm, hoạt động du xuân vẫn còn diễn ra, song lượng khách cũng vơi nhiều so với những ngày trước.
Tất bật sản xuất, kinh doanh
Khép lại mọi hoạt động vui xuân, từ sáng sớm mùng 4 Tết, ông Phan Hữu Dương (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã có mặt ở rẫy để “xông đất” lấy may và tưới nước cho 5 ha cà phê của gia đình. Nhìn vườn cà phê bung hoa trắng muốt đều khắp, ông Dương không khỏi phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng về một vụ mùa bội thu trong năm mới.
“Sau 3 ngày nghỉ Tết, hôm nay, gia đình tôi bắt đầu làm việc. Gia Lai đang bước vào mùa khô nên cây cà phê cần nhiều nước để kết trái, vì thế, tôi đã tranh thủ lên rẫy để tưới bổ sung cho cây. Cùng với đó, cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương của gia đình tôi cũng chính thức mở cửa hoạt động trở lại vào sáng mùng 4, cho ra lò những mẻ cà phê mới chuẩn bị cung cấp cho bạn hàng”-ông Dương cho biết.
Cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) chính thức hoạt động trở lại vào mùng 4 Tết. Ảnh: Ngọc Thu.
Cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) chính thức hoạt động trở lại vào mùng 4 Tết. Ảnh: Ngọc Thu
Tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, sáng mùng 4 Tết, bà con nông dân cũng tất bật xuống đồng chăm sóc lúa Đông Xuân. Người nhổ cỏ, dặm lúa, người đưa nước vào ruộng... Tất cả tạo nên không khí lao động ngày đầu xuân đầy vui tươi.
Anh Nguyễn Văn Phúc (tổ 2, phường An Phú, thị xã An Khê) phấn khởi nói: “Vụ Đông Xuân năm nay, thời tiết nắng ấm và có mưa nên cây lúa có điều kiện phát triển tốt, ít sâu bệnh. Mong rằng thời gian đến trời tiếp tục mưa thuận gió hòa để nông dân chúng tôi đỡ vất vả hơn”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Rô (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) cùng các thành viên trong gia đình đã ra làm đồng từ sớm. Toàn bộ 8 ha đất sản xuất, mùa vụ trước, ông Rô cho 5 hộ dân ở Tuy Hòa (Phú Yên) thuê trồng dưa hấu với giá 25 triệu/ha. “Ngay sau khi họ thu hoạch xong dưa hấu vào ngày 29 Tết, tôi đã khẩn trương cày ủi, san đất và trồng mía cho kịp mùa vụ. Kết thúc 3 ngày nghỉ Tết, hôm nay, chúng tôi xuống đồng kéo ống tưới nước nhằm đảm bảo đủ độ ẩm cho mía mọc mầm”-ông Rô vui vẻ nói.
Người dân ở thị xã Ayun Pa tưới nước cho mía. Ảnh: Vũ Chi
Người dân ở thị xã Ayun Pa tưới nước cho diện tích mía mới trồng. Ảnh: Vũ Chi
Đối với các hộ kinh doanh, hợp tác xã… trên địa bàn tỉnh, ngày thứ tư của năm mới Tân Sửu cũng là thời điểm họ khởi đầu công việc. Ông Lê Trường Hải-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Đak Pơ-cho biết: “Sau khi xuất hành lấy ngày vào mùng 3 Tết, bắt đầu từ hôm nay, các hoạt động vận chuyển hàng hóa trở lại guồng quay bình thường. Lượng hàng đầu năm có tăng lên, vì thế, Hợp tác xã đã điều thêm 2 xe có trọng tải 10 tấn và cử 6 thành viên trong đội xe để vận chuyển và bốc hàng hóa cho bà con”. 
Ngày mùng 4 Tết, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Đak Pơ trở lại bình thường. Ảnh: Ngọc Minh
Ngày mùng 4 Tết, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Đak Pơ trở lại bình thường. Ảnh: Ngọc Minh
Cũng trong ngày mùng 4 Tết, hầu hết các cửa hàng tạp hóa đã mở cửa kinh doanh trở lại. Hàng hóa cung ứng cho thị trường sau Tết vẫn dồi dào, phong phú; giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định. “Hôm nay đẹp ngày nên tôi mở cửa bán lại. Lượng khách tuy ít nhưng vừa bán vừa chào khách năm mới cũng rất vui và hào hứng”-chị Vũ Thị Huệ (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ.
Tranh thủ du xuân
Nhân kỷ niệm 250 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-2021) và 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đồng Đa (1789-2021), sáng mùng 4 Tết, đại diện Ban Thường vụ Thị ủy An Khê đã đến dâng hoa, dâng hương Tây Sơn tam kiệt tại Nhà thờ Tam Kiệt (Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê). Dịp này, ông Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng về dâng hương, dâng hoa các vị anh hùng và tướng sĩ nhà Tây Sơn.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Hàng năm, vào ngày mùng 4 Tết, cán bộ và nhân dân thị xã An Khê cùng tổ chức lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, Chiến thắng Ngọc Hồi-Đồng Đa và khai hội Cầu Huê. Năm nay, thị xã còn vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các hoạt động trên phải dừng lại. Thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, các đại biểu chỉ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng và tướng sĩ nhà Tây Sơn chứ không tổ chức trọng thể như những năm trước.
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang dâng hương, dâng hoa các vị anh hùng và tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh.
Ông Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai dâng hương, dâng hoa các vị anh hùng và tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Nhiều người dân sinh sống trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo tỏ ra tiếc nuối khi sự kiện lịch sử-văn hóa này phải hoãn lại. Anh La Văn Ngài (làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) cho biết, hầu như năm nào cả gia đình anh cũng tham dự lễ hội. Năm nay, theo kế hoạch, anh cùng một số bà con trong làng sẽ tham gia múa khèn, múa mừng xuân và gửi đến lễ hội món thắng cố-nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc Mông tại đây vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết.
"Háo hức bao ngày thì vừa rồi dịch bệnh lại xảy ra, lễ hội bị hủy bỏ. Thôi thì vì an toàn sức khỏe cộng đồng, chúng tôi đành hẹn với lễ hội này vào năm sau vậy. Hôm nay, tôi vẫn quyết định đưa gia đình đến khu di tích để thưởng ngoạn, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc và các bậc tiền nhân”-anh La Văn Ngài chia sẻ.
Sau 3 ngày Tết cúng gia tiên, đi lễ chùa, thăm họ hàng… một số gia đình tiếp tục tranh thủ du xuân vào ngày mùng 4. Chị Võ Như Thùy (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Năm nào cũng vậy, dịp Tết, gia đình tôi sẽ tổ chức đi chơi xa. Nhưng năm nay, do dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi chỉ vui chơi an toàn tại một số nơi trên địa bàn thành phố như: Khu du lịch Biển Hồ, Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng… Sau hôm nay, cả nhà tôi sẽ bắt đầu chuẩn bị cho công việc đầu năm mới”.
Nhiều gia đình tranh thủ những ngày nghỉ cuối cùng để du Xuân. Ảnh: Trần Dung
Nhiều gia đình tranh thủ những ngày nghỉ cuối cùng để du xuân. Ảnh: Trần Dung
Còn anh Bùi Minh Nguyên (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho hay: “Vì mấy ngày Tết phải phụ giúp bố mẹ tưới cà phê nên hôm nay tôi mới có thời gian đi chơi với bạn bè; đồng thời đến thăm, chúc Tết thầy-cô giáo trước khi trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Tại các điểm vui chơi, giải trí, lượng khách đến du xuân khá ít, hầu hết mọi người đã quay lại làm việc bình thường”.
Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 6 ngày nghỉ Tết Tân Sửu (từ 11 giờ ngày 9-2 đến 11 giờ ngày 15-2), trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 12 người chết và 3 người bị thương (tăng 3 vụ, tăng 7 người chết và giảm 4 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự đã lập biên bản 491 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, tạm giữ 1 ô tô, 79 mô tô, 267 giấy tờ xe các loại; tước 7 giấy phép lái xe có thời hạn, xử phạt 494 trường hợp với số tiền 217,8 triệu đồng.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Nghĩa tình với xã Gào

Nghĩa tình với xã Gào

(GLO)-Những ngày tháng 7 này, người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công ở xã Gào anh hùng (tỉnh Gia Lai) luôn ấm lòng bởi các hoạt động nghĩa tình thể hiện sự tri ân sâu sắc của các cấp, ngành, địa phương.

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

Tháng 7, hội ngộ và tri ân

(GLO)- Những cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh dịp 27-7 luôn ấm nghĩa tình, đậm màu tri ân với tâm niệm “sống thay người nằm xuống và sống sao cho xứng đáng”. Đó cũng là không khí mà chúng tôi ghi nhận trong chương trình tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) sáng 22-7.

Rác thải “bủa vây” đường mới ven sông Dinh

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng rác thải "bủa vây" đường ven sông Dinh

(GLO)- Ngày 24-7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Thị Thanh Hương xác nhận: Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng rác thải, xà bần trên 2 tuyến đường giao thông dọc hệ thống tiêu thoát lũ ven sông Dinh (đoạn qua khu vực 1, phường Quy Nhơn Đông).

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

Quy Nhơn nở rộ dịch vụ cho thuê phao bơi

(GLO)- Không chỉ là kế sinh nhai, hoạt động cho thuê phao bơi của người dân tại bãi biển Quy Nhơn còn góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; nâng cao ý thức an toàn khi tắm biển cho du khách.

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

Chung tay xây Khu vực phòng chờ cho thân nhân người bệnh

(GLO)- Đồng cảm với nỗi khổ của người nhà bệnh nhân vì không có chỗ tá túc khi chăm sóc người thân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, đại diện Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Khu vực phòng chờ, góp phần chia sẻ với thân nhân người bệnh.

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

Lan tỏa nghĩa tình tháng Bảy

Lan tỏa nghĩa tình trong tháng 7 tri ân

(GLO)- Việc quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn duy trì, triển khai nhiều năm qua. Đây là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt trong những ngày tháng 7 tri ân.

null