Gia Lai nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi chuyển trọng tâm từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Ngày 31-12-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đối với Gia Lai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 60-CTr/TU ngày 2-5-2018; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1657/KH-UBND ngày 31-7-2018 thực hiện Chương trình hành động số 60 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy; đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương để đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-cho biết: Để thực hiện chính sách dân số và phát triển, tỉnh triển khai thực hiện 6 vấn đề trọng tâm gồm: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số hợp lý góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 Đoàn công tác của Tổng cục Dân số-KHHGĐ kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tại Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Đoàn công tác của Tổng cục Dân số-KHHGĐ kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tại Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến



Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, chất lượng dân số tương đối ổn định và được cải thiện qua các năm. Năm 2022, dân số toàn tỉnh hơn 1,5 triệu người. Tuổi thọ bình quân là 71 tuổi. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm. Tỷ số giới tính khi sinh là 104 bé trai/100 bé gái; số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 74%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên... Các đợt tăng cường đưa dịch vụ chính sách sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến các xã vùng khó đem lại hiệu quả thiết thực.

Chư Prông là huyện có nhiều chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách dân số và phát triển. Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho biết: Tính riêng năm 2022, toàn huyện có 177 người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện thuốc cấy tránh thai, đạt 129% kế hoạch; 1.238 người thực hiện thuốc tiêm tránh thai, đạt 120% kế hoạch; 1.540 lượt chị em khám phụ khoa; 965 lượt chị em phát hiện viêm nhiễm được điều trị phụ khoa... “Thời gian tới, với mục tiêu vừa tiếp tục duy trì giảm sinh, giảm sinh con thứ 3, vừa nâng cao chất lượng dân số, huyện tập trung triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; giảm mắc bệnh tan máu bẩm sinh; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao nhận thức pháp luật trong đời sống người dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh truyền thông, vận động thực hiện thường xuyên với hình thức phong phú, góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi dân số bền vững cho đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”-bà Nhàn nhấn mạnh.

Còn tại TP. Pleiku, theo bà Đinh Thị Thúy Kiều-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế thành phố): Các mô hình như “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Gia đình hạnh phúc”, “Tiền hôn nhân”, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” được thành lập và hoạt động đạt hiệu quả. “Thời gian tới, TP. Pleiku tiếp tục triển khai tuyên truyền đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh” tại tất cả các xã, phường; triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” cho đối tượng chuẩn bị kết hôn, vị thành niên, thanh niên”-bà Kiều cho hay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 21-NQ/TW. Theo đó, các địa phương cần đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt, tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm