Gia Lai: Khắc phục tình trạng thiếu máu cấp cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng thiếu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, nhiều nhân viên y tế ở Gia Lai đã không ngần ngại xung phong hiến máu cứu người, góp phần cứu sống người bệnh.  


Khan hiếm máu cấp cứu, điều trị

Từ đầu tháng 3-2021 trở lại đây,  Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) khan hiếm máu điều trị cho người bệnh, nhất là nhóm máu O và A. Bác sĩ Nguyễn Đức Yên-Khoa Xét nghiệm-thông tin: Trung bình 1 tháng, bệnh viện cần khoảng 300 đơn vị máu và chế phẩm máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Trong số này, hơn 90% là từ nguồn hiến máu tình nguyện, còn lại huy động người nhà hoặc nhân viên y tế trong trường hợp khẩn cấp. Hiện nay, số máu dự trữ tại bệnh viện đang dần cạn kiệt.

Bệnh viện Quân y 211 hiện đang thiếu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Bệnh viện Quân y 211 đang thiếu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Theo thống kê, đến chiều 12-3, Bệnh viện Quân y 211 chỉ còn 5 đơn vị nhóm máu O, 6 đơn vị nhóm máu A, 15 đơn vị nhóm máu B và 4 đơn vị nhóm máu AB. “Nguyên nhân của việc thiếu máu là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người dân ngại đến bệnh viện hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân cần máu cấp cứu và điều trị tăng”-bác sĩ Yên nói.

Để giải quyết tình trạng thiếu máu, bệnh viện đã vận động người nhà và huy động y-bác sĩ, nhân viên y tế hiến máu; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, đơn vị cũng mượn nguồn máu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kịp thời có máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Yên, từ cuối năm 2019 đến nay, vào chủ nhật hàng tuần, Bệnh viện Quân y 211 tổ chức điểm tiếp nhận máu tình nguyện tại Khoa Xét nghiệm. Mọi người dân có nhu cầu có thể đến đây để tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh.


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trước, trong và sau Tết cũng xảy ra tình trạng thiếu máu. Bác sĩ Đinh Xuân Bảy-Trưởng khoa Huyết học-Truyền máu-cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số đơn vị phải tạm hoãn hiến máu, dẫn đến tình trạng thiếu máu. Để khắc phục và duy trì lượng máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải vận động người nhà bệnh nhân hiến máu; trong trường hợp khẩn cấp thì huy động qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook và huy động y-bác sĩ, nhân viên y tế hiến máu cứu người. Hiện bệnh viện đã cơ bản đảm bảo máu cấp cứu và điều trị.

Nhân viên y tế xung phong hiến máu cứu người

Hiểu được máu rất quan trọng trong việc cấp cứu và điều trị cho người bệnh, nhiều nhân viên y tế sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đã được truyền máu kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng.

Cử nhân Vũ Trần Thùy Trang-Khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)-chia sẻ: “Tôi nhóm máu O, đã 4 lần hiến máu khẩn cấp cứu bệnh nhân. Hiến máu tình nguyện là một việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần mang lại sự sống cho người bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục hiến máu cứu người. Tôi cũng mong mọi người dân nếu điều kiện sức khỏe đảm bảo thì nên tham gia hiến máu tình nguyện”.

Nhân viên y tế tỉnh tham gia hiến màu tình nguyện ngày 23-1-2021 vừa qua. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện ngày 23-1-2021. Ảnh: Như Nguyện
Ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh: Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trong 2 tháng đầu năm 2021, qua tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện đã tiếp nhận được 2.452 đơn vị máu an toàn. Số máu này đã được chuyển đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Với bác sĩ Nguyễn Vọng Khánh-Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh, ngoài tham gia hiến máu trong các tình huống khẩn cấp, anh còn tham gia hiến máu trong các đợt hiến máu tập trung. Đến nay, bác sĩ Khánh đã có hơn 10 lần hiến máu tình nguyện.

“Là bác sĩ nên tôi hiểu rõ tầm quan trọng của máu trong công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, tôi thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện”-bác sĩ Khánh cho hay.

Tại Bệnh viện Quân y 211, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện luôn sẵn sàng cho máu khi cần. Điều dưỡng Trịnh Toàn Thắng-Khoa Nội tiêu hóa-Bệnh máu-cho biết: Cứ định kỳ từ 4 đến 6 tháng, tôi lại tham gia hiến máu tình nguyện tại đơn vị. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp cần máu cứu bệnh nhân và nếu đảm bảo các điều kiện thì tôi cũng sẽ hiến máu cứu người.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.