Gia Lai đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là trong dịp Tết, công tác thanh-kiểm tra ATTP trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn được chú trọng. Xung quanh công tác này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. 
P.V: Ông đánh giá thế nào về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2022?
- Ông Nguyễn Văn Đang: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành được triển khai đúng trọng tâm, đúng quy định. Năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập 10 đoàn thanh tra, kiểm tra (trong đó, Chi cục chủ trì, thành lập 9 đoàn; phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập 1 đoàn). Các đoàn đã kiểm tra 175 cơ sở, trong đó 38 cơ sở ngừng hoạt động, 137 cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, phát hiện 42 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 137,8 triệu đồng. Ngoài thanh-kiểm tra, các đoàn tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATTP.
Trong năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai đối với các cơ sở vi phạm, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo về phòng-chống ngộ độc thực phẩm được triển khai thường xuyên và kịp thời theo từng thời điểm.
Tuy nhiên, trong năm, toàn tỉnh vẫn ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 37 người mắc, 35 người đi viện và 1 người tử vong, 2/3 vụ tìm được căn nguyên ngộ độc thực phẩm. Số ca mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 2,46 ca. So với cùng kỳ năm trước, ngộ độc thực phẩm tăng cả về số vụ, số người mắc và người tử vong.
 Ngoài kiểm tra, lực lượng chức năng lồng ghép tuyên truyền các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong đảm bảo ATTP. Ảnh: Như Nguyện
Ngoài kiểm tra, lực lượng chức năng lồng ghép tuyên truyền các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong đảm bảo ATTP. Ảnh: Như Nguyện
P.V: Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao và gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Công tác đảm bảo ATTP trong dịp này sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Đang: Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2023 phục vụ Nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất-nhập khẩu thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán với mục tiêu bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng-chống ngộ độc thực phẩm. Mục tiêu cụ thể là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Quý Mão 2023. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Công tác thanh-kiểm tra được triển khai chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đối với cấp tỉnh, thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tuyến huyện, tuyến xã. Đối với cấp huyện và cấp xã, tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương và kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, triển khai thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Ngoài thanh-kiểm tra liên ngành về ATTP theo kế hoạch đã được phê duyệt, đoàn xin ý kiến cấp trên để kiểm tra đột xuất ngoài danh sách những cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP qua phản ánh, đơn thư của người dân. Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm thì sẽ tiến hành xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân cập nhật kịp thời và qua đó lựa chọn sử dụng hàng hóa ở các cơ sở sản xuất đảm bảo ATTP.
Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được triển khai chặt chẽ trong dịp Tết nhằm đảm bảo ATTP và phòng-chống ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp này. Ảnh: Như Nguyện
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ được triển khai quyết liệt trong dịp Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo an toàn và phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện
P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và phòng-chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết?
- Ông Nguyễn Văn Đang: Để đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng; kiên quyết nói không với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem nhãn phụ, các sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, không đảm bảo an toàn… Bánh kẹo, mứt Tết thường có hình thức buôn bán xé lẻ cân ký và trong số này không loại trừ một số cơ sở vì lợi nhuận trộn lẫn các loại bánh kẹo, mứt hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc. Vì vậy, người dân cần phải kiểm tra cẩn thận, chỉ nên mua tại các cơ sở uy tín và yêu cầu chủ cơ sở chứng minh nguồn gốc các sản phẩm để tránh mua phải hàng hóa kém chất lượng. Ngoài ra, các gia đình cần thực hiện tốt nguyên tắc: mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý, không nên có thói quen mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết tránh đồ ăn dễ bị hỏng, giảm chất lượng dinh dưỡng và lãng phí. 
Tết cũng là dịp người tiêu dùng sử dụng nhiều rượu, bia; cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu tăng cao. Vì vậy, mọi người cần chừng mực trong việc sử dụng rượu, bia và nhất là khi tham gia giao thông thì không nên sử dụng rượu, bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, mọi người cần thực hiện các nguyên tắc sau: Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
P.V: Xin cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.