“Đứng dậy” từ lầm lỗi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Thay vì ngại ngùng, che giấu, ông Dõ nhìn thẳng vào sai lầm của mình hơn 20 năm về trước mỗi khi ai đó nhắc lại. Ông tự nhận vì ít học, nhận thức còn hạn chế nên mới bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, xúi giục làm việc sai trái.

1-ong-do-ben-phai-tro-chuyen-cung-nguoi-dan-trong-lang.jpg
Ông Kpă Dõ (bìa phải) trò chuyện với người dân trong làng. Ảnh: P.D

Ông Dõ kể: “Tháng 2-2001, mình bị kẻ xấu lôi kéo tham gia biểu tình. Mình cùng dòng người kéo về TP. Pleiku. Hơn 4 giờ đi bộ, chịu cảnh nắng bụi, đói khát, mình chủ động quay trở về nhà. Hơn 2 tháng sau, đối tượng xấu lại tìm đến mình và bảo: “Mày phải chạy ngay đi, những ai đã tham gia biểu tình lần trước đều bị bắt rồi”. Như con chim sợ cành cong, mình nghe vậy sợ quá, bỏ tất cả đồ đạc ở rẫy cà phê, cũng không kịp gặp vợ con, cứ thế bỏ trốn”.

Hơn 1 tháng lẩn trốn trong rừng, chịu cảnh đói khát, bị côn trùng cắn, ông Dõ trở nên tiều tụy. Nhớ vợ con, nhớ buôn làng, ông muốn quay về nhưng phần bị kẻ xấu ngăn cản, phần vì đi sâu vào trong rừng bị mất phương hướng, không tìm được đường về.

“Càng nghĩ, mình càng thấy sai. Sai với vợ con, với dân làng. Mình mồ côi mẹ, bố thì lấy vợ khác. Giờ vì sợ hãi mà mình bỏ vợ con bơ vơ là quá sai. Vợ mình sẽ sống sao, 4 đứa con nhỏ ai nuôi? May mắn là chuỗi ngày tăm tối cũng kết thúc, mình được lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia và Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa về. Sau đó, chính quyền địa phương cho đi học tập, giáo dục. Nhờ đó mà mình hiểu rõ bản chất phản động của cái gọi là “Tin lành Đê ga”-ông Dõ cho hay.

Quay trở lại con đường sáng, ông Dõ mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Trong các buổi họp làng, ông không ngại đứng ra vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lấy bản thân làm bài học để mong dân làng nâng cao tinh thần cảnh giác.

Năm 2008, khi địa phương có chủ trương tìm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa và điểm trường làng, ông đã bàn với vợ con hiến 800 m2 đất để xây dựng công trình. Ngay sau đó, huyện Chư Sê đầu tư xây dựng nhà văn hóa và lớp mẫu giáo làng Lê Ngol thuộc Trường Mầm non 30/4.

Nói về việc ủng hộ quyết định của chồng, bà Rah Lan Bơl cười hiền: “Mình muốn dân làng có nơi tập trung sinh hoạt, nghe tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không bị kẻ xấu dụ dỗ đi sai đường. Gia đình mình hiến đất cũng để các cháu nhỏ có chỗ học tập, không phải đi xa, bố mẹ yên tâm sản xuất”.

Vượt qua sai lầm trong quá khứ, ông Dõ tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Từ năm 2008 đến 2018, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Lê Ngol. Từ năm 2019 đến nay, ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng. Trên cương vị công tác nào, ông cũng nhiệt tình, trách nhiệm.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông còn tích cực tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn, xích mích trong làng, giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm.

1-ong-do-ben-trai-la-nguoi-tien-phong-cua-lang-trong-trong-cay-ca-phe.jpg
Ông Dõ (bên trái) là người tiên phong của làng trong trồng cây cà phê. Ảnh: Phương Dung

Ông Kpă Hơm (82 tuổi, làng Lê Ngol) chia sẻ: “Dõ mắc lỗi lầm nhưng biết sai mà sửa nên dân làng không ai trách nữa. Nó là người thật thà, nhiệt tình với bà con”.

Còn ông Nguyễn Phú-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tiêm thì nhận xét: “Ông Dõ luôn tích cực, đi đầu trong các phong trào, công tác Hội. Ông chịu khó học hỏi, chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, ông đã chủ động hiến đất làm nhà văn hóa, điểm trường mẫu giáo của làng và thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết phát triển kinh tế, góp sức xây dựng làng Lê Ngol ngày càng khang trang, sạch đẹp”.

Về phần mình, ông Dõ luôn thấy biết ơn vì “mình không phải người tốt nhưng được công nhận học tập tốt, biết sai để sửa. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước đã khoan hồng, tạo điều kiện để bản thân sửa sai; cảm ơn bà con đã rộng vòng tay đón nhận và tin tưởng”.

Ông Kpă Dõ được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2017-2018; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022 và giai đoạn 2022-2024.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân 2025 là ngày nào?

Lập xuân là tiết khí đầu tiên trong năm, ngày Lập xuân ở khía cạnh nào đó có thể coi là thời điểm bắt đầu năm mới, vậy Lập xuân 2025 là ngày nào?