Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chủ quan không tiêm phòng cho vật nuôi, đến khi vô tình bị chó, mèo cào, cắn, hậu quả không chỉ trả giá bằng tiền bạc mà còn phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Nỗi đau người ở lại
Tháng 8-2024, dân làng O Đất (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) bàng hoàng trước sự ra đi của anh Dêm (SN 1973). Với chị Vaih-vợ anh, nỗi đau này càng thêm nặng trĩu khi mất đi trụ cột gia đình chỉ vì một vết cắn từ con chó được nuôi trong nhà.
Theo lời kể của người thân, vào đầu tháng 7-2024, anh Dêm bị chính con chó của gia đình cắn. Tuy nhiên, anh không đến Trạm Y tế xã để xử lý vết thương hay khai báo, cũng không đi tiêm huyết thanh kháng dại hoặc vắc xin phòng bệnh dại. Do đó, Trạm Y tế xã không nắm được thông tin để có hướng xử lý kịp thời. Sau khi cắn anh Dêm, con chó không cắn thêm ai. Nó cũng chưa được tiêm phòng trước đó. Gia đình anh Dêm đã đập chết con chó và làm thịt ăn mà không biết rằng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn.
Mọi chuyện tưởng như đã qua cho đến ngày 7-8-2024, anh Dêm bắt đầu có triệu chứng sốt, sợ nước, sợ gió, tinh thần hoảng loạn, đau nhức khắp cơ thể. Gia đình vội đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khi nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới, anh Dêm trong trạng thái tỉnh nhưng mệt mỏi, đau họng, không nuốt được, sốt cao 39 độ C, sợ nước, sợ gió, sợ tiếng ồn. Đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh dại lên cơn. Được bác sĩ tư vấn về tình trạng nguy kịch, gia đình xin đưa anh về nhà để tiện chăm sóc. Chỉ 1 ngày sau, anh Dêm đã trút hơi thở cuối cùng.

Sự ra đi của anh không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình mà còn là hồi chuông cảnh báo với cả cộng đồng. “Giá như anh tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn, giá như chúng tôi hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh dại…”-chị Vaih lặng người khi nhắc về người chồng xấu số.
Không chỉ gia đình anh Dêm, nỗi đau do bệnh dại cũng xảy ra với chị Puih Phel (làng Thung, xã Ia Kly, huyện Chư Prông). Đến giờ, chị Phel vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Từng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc ngày 4-12-2024 khi con gái Puih Cách (SN 2020) lên cơn co giật, sốt cao, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nôn ói khan vẫn không thôi ám ảnh người mẹ trẻ.
Chị Phel nhớ lại: Khi phát hiện Puih Cách bị chó nhà cắn vào chân, vì thấy vết thương nhỏ, không chảy máu nhiều, chị chỉ tắm rửa sơ qua cho con mà không đưa đi tiêm phòng hay báo cho nhân viên Trạm Y tế xã. “Chó nhà nuôi từ nhỏ, nó hiền lắm, ai mà nghĩ được lại có bệnh dại”-chị Phel nghẹn ngào.
Khi Puih Cách bắt đầu có những triệu chứng lạ, gia đình chị vội đưa đi bệnh viện thì đã quá muộn. Bác sĩ nói rằng khi bệnh dại phát cơn thì không có cách nào cứu chữa. Chị Phel như chết lặng, không tin vào sự thật trước mắt. Chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, con gái bé bỏng đã rời xa vòng tay của chị mãi mãi.
Giờ đây, mỗi lần nhìn vào góc nhà, nơi con bé vẫn thường ngồi chơi, chị lại nén nỗi đau vào trong. Giá như hôm đó, chị đưa con đi tiêm vắc xin, giá như chị biết rằng chó nhà cũng có thể mang vi rút dại… Nhưng mọi thứ đã quá muộn. Nỗi mất mát không gì có thể bù đắp, chỉ có sự ân hận day dứt còn mãi trong lòng.
Khó khăn trong tiêm phòng vật nuôi
Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 26 ca tử vong do bệnh dại. Sự gia tăng của các trường hợp tử vong do bệnh dại đang là một mối lo ngại lớn đối với cộng đồng. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng rãi nhưng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi vẫn còn rất thấp.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có hơn 217 ngàn con chó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi chỉ mới đạt khoảng hơn 20%. Đây là con số rất thấp so với mục tiêu đặt ra, khi yêu cầu tối thiểu phải đạt 80% tổng đàn.
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, công tác phòng-chống bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi cộm là nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng bệnh cả trên người và vật nuôi còn hạn chế; công tác thông tin tuyên truyền chưa được triển khai thường xuyên, thiếu hiệu quả; việc quản lý chó, mèo còn lỏng lẻo; chưa thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, chưa lập sổ quản lý chó, mèo hoặc triển khai nhưng tỷ lệ đạt rất thấp; chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Nguyễn Tấn Phong (Phòng khám thú y Gia Lai-Dương Cốc, TP. Pleiku) chia sẻ: “Việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi đạt tỷ lệ thấp bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là do tâm lý chủ quan của người dân. Họ thường đưa ra những lý do như: con chó chỉ ở trong nhà, có chạy ra ngoài đường đâu mà dính bệnh dại; chó nhà rất hiền, không thể mắc dại được, tiêm làm gì; hay từ trước đến giờ không tiêm, gia đình tôi vẫn khỏe mạnh, sao phải tiêm? Tuy nhiên, vật nuôi có thể lây bệnh dại gián tiếp qua nước bọt của chuột, dơi hay các con vật hoang dã khác. Vì thế, không thể đảm bảo tuyệt đối rằng vật nuôi trong nhà sẽ không mắc bệnh dại”.

Năm 2024, Phòng khám thú y Gia Lai-Dương Cốc đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho hơn 1.200 vật nuôi trên địa bàn TP. Pleiku. Thế nhưng, con số này vẫn còn rất nhỏ so với tổng đàn vật nuôi tại địa bàn.
“Để người dân chủ động đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại, trước hết, cần nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Khi đã phát bệnh thì gần như 100% người bệnh sẽ tử vong. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người dân chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi của mình”-bác sĩ Phong nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Phong: “Bệnh có thời gian ủ bệnh dài, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Trong thời gian vàng, việc tiêm phòng kịp thời có thể cứu sống cả người và vật nuôi. Đối với người bị chó, mèo cắn, cần phải tiêm phòng trong vòng 24 giờ. Còn đối với vật nuôi từ 3 tháng tuổi trở lên, cần tiêm vắc xin phòng dại định kỳ theo từng loại vắc xin.
Đồng thời, khuyến khích người dân tiêm nhắc lại sau 6-8 tháng để tăng cường kháng thể trong cơ thể vật nuôi. Trong trường hợp chó, mèo hung dữ, người nhà không thể đưa ra phòng khám để tiêm phòng định kỳ thì có thể liên hệ các phòng khám để sử dụng dịch vụ tiêm tại nhà”.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và khuyến khích người dân đưa vật nuôi đi tiêm phòng bệnh dại, đầu năm 2024, Phòng khám của bác sĩ thú y Lê Thanh Tâm (số 369 Phan Đình Phùng, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại với giá hỗ trợ. Chỉ trong tháng 2-2024, phòng khám đã hỗ trợ tiêm cho gần 1.000 vật nuôi với giá 30.000 đồng/liều vắc xin.
“Ngoài việc tiêm phòng, chúng tôi còn tuyên truyền, phổ biến về triệu chứng bệnh dại cho chủ nhân của vật nuôi, giúp họ nhanh chóng nhận diện và báo cáo kịp thời nếu có sự cố để tránh lây lan thành ổ dịch”-bác sĩ Tâm cho biết.

Nếu bị động vật cắn, cần thực hiện như sau: Rửa vết thương ngay lập tức với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể sử dụng nước sạch và rửa dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút. Sau khi rửa sạch, rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn i ốt (nếu có). Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật: không sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Không băng bó hoặc đắp thuốc kín vết thương (nguồn: Bộ Y tế).
Bác sĩ Tâm cũng khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh cần quan sát và hỏi con thật kỹ về những vết xước trên cơ thể của mình. Vì tâm lý sợ bị mắng, các em có thể không kể về việc bị vật nuôi cắn. Trong thời gian vàng, nếu không kịp đưa bé đi tiêm, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”.
Đưa chú chó con đến phòng khám thú ý để tiêm vắc xin phòng bệnh dại, anh Lê Văn Tiền (làng Bông Phun, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: “Bản thân tôi hiểu việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi là rất quan trọng. Tôi có con nhỏ nên luôn cẩn trọng với bất kỳ vết thương nào mà các cháu có thể gặp phải. Dù con chó của tôi chỉ mới mua về và chưa có dấu hiệu gì bất thường, nhưng tôi vẫn đưa nó tiêm phòng để giúp bảo vệ không chỉ sức khỏe của vật nuôi mà còn cho cả gia đình”.