Đồng bào các dân tộc Gia Lai vui Tết Độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày. Cùng với đồng bào cả nước, người dân Gia Lai tổ chức vui Tết Độc lập với niềm hân hoan, háo hức.

Tết Độc lập ở làng căn cứ

Gia đình bà Đinh Thị HRốch (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) quây quần trò chuyện về những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng và ý nghĩa của Tết Độc lập của dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh
Gia đình bà Đinh Thị HRốch (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) quây quần trò chuyện về những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng và ý nghĩa của Tết Độc lập của dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh

Làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) có 136 hộ, hơn 500 khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Những ngày này, trước mỗi nếp nhà người dân đồng loạt treo cờ Tổ quốc, tô thắm cảnh quan làng quê rực rỡ.

Ông Đinh Văn Cao-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đê Chơ Gang là hậu phương vững chắc; dân làng tham gia kháng chiến, che chở, nuôi giấu cán bộ và phục vụ cách mạng. Trong làng còn 19 người có công với cách mạng, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Hàng năm, dân làng có 2 lễ hội quan trọng là lễ đóng cửa kho diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng và tết Độc lập. Những năm gần đây, đời sống ngày một nâng cao, việc đón tết Độc lập của bà con có nhiều hoạt động phong phú hơn. “Bên cạnh treo cờ Tổ quốc trang trọng ở trước nhà, tùy theo điều kiện, gia đình làm mâm cơm dâng lên bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ tổ tiên, sau đó cho con cái đi chơi, dã ngoại hoặc là chung vui Tết Độc lập cùng dân làng ở hội trường thôn. Cũng có nhiều người nghỉ ngơi tại nhà tổ chức ăn uống; còn đám thanh niên thì giao lưu thể thao cùng gặp mặt nhau vui vẻ, gắn kết cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm thêm đoàn kết”-ông Cao bày tỏ.

Cũng như mọi năm chiều 31-8, bà Đinh Thị HRốch (SN 1949 ở làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) cẩn thận lấy lá cờ để trong chiếc gùi treo cao trên trần nhà, rồi kêu cháu gái Đinh Thị Ngọc Linh cùng mình ra trước nhà treo cờ. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trong nắng mùa thu, bà HRốch xúc động nhắc nhớ: Bố mẹ mất sớm bà được người thân và bộ đội nuôi nấng. Nhờ tham gia du kích bà gặp ông Đinh Ngui cũng hoạt động cách mạng, sau nên vợ nên chồng, được cán bộ cách mạng và dân làng cưu mang, ông bà được sống, có với nhau 6 người con. Chồng bà mất cách đây hơn 10 năm, bà ở với vợ chồng người con gái đầu và vợ chồng con trai út. Các con bà đều chịu khó lao động sản xuất, chăn nuôi cuộc sống ổn định.

“Mỗi dịp Quốc khánh 2-9 là ngày lễ trọng đại của đất nước, của dân tộc ta. Trước đây, chồng tôi còn sống, vợ chồng thường tổ chức nấu mấy món ăn truyền thống vừa ăn vừa trò chuyện cho các con nghe về ý nghĩa lịch sử của ngày Tết Độc lập. Sau này, dịp Quốc khánh 2-9, con nào có điều kiện thì đưa các cháu đi chơi, tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, không thì ở nhà quây quần tổ chức nấu nướng, sum vầy. Đây là dịp tôi bảo ban các con, các cháu biết ơn công lao to lớn của cha ông đã hy sinh xương máu cho nền độc lập ngày nay, cố gắng học tập để xây dựng quê hương đẹp giàu và bảo vệ Tổ quốc trường tồn, hưng thịnh”-bà HRốch chia sẻ.

Các tuyến đường huyện Ia Pa rực rỡ cờ hoa trong dịp Quốc khánh 2-9. Ảnh: Vũ Chi
Các tuyến đường huyện Ia Pa rực rỡ cờ hoa trong dịp Quốc khánh 2-9. Ảnh: Vũ Chi

Những ngày này, khắp các con đường, ngõ xóm huyện Ia Pa đều rực rỡ cờ Tổ quốc tung bay. Đặc biệt, tại vùng căn cứ cách mạng xã Pờ Tó, không khí tết Độc lập càng rộn ràng. Đây vốn là vùng căn cứ mà bộ đội từng nương náu, từng được đồng bào Bahnar bao bọc, chở che trong những khu rừng rậm. Trải qua bao hy sinh, mất mát, cùng bộ đội đánh đuổi giặc ngoại xâm, những ngôi làng ở Pờ Tó vốn bị bao phủ bởi đói nghèo, lạc hậu nay đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ.

Già Đinh Wưih (thương binh, thôn 5, xã Pờ Tó) bồi hồi kể: Ngày xưa, cả làng theo bộ đội. Mỹ đến cướp làng mình, đốt nhà dân mình nên người Bahnar cùng bộ đội cầm giáo, cầm mác, cầm súng đánh giặc. Nhiều bà con Bahnar đã ngã xuống nhưng không ai chịu khuất phục, cùng ăn củ mài, củ mì thay cơm, đoàn kết nhau chống giặc.

Hòa bình lập lại, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, buôn làng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân từng bước no ấm. Vì vậy, Tết Độc lập với bà con Bahnar có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

“Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Quốc khánh, người Bahnar trong xã đều gác lại công việc ruộng vườn, nương rẫy, dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình, bạn bè, người thân. Bản thân tôi cũng vậy, vào dịp này đều dành thời gian kể cho con cháu nghe chuyện thời kháng chiến, qua đó nhắc nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, động viên con cháu tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển”-ông Wưih bộc bạch.

Người dân vùng sâu, biên giới mừng Tết Độc lập

Cô giáo và học sinh huyện biên giới Đức Cơ chụp ảnh lưu niệm bên đường cờ Tổ quốc trong dịp Tết Độc lập 2024. Ảnh: Nam Lê

Cô giáo và học sinh huyện biên giới Đức Cơ chụp ảnh lưu niệm bên đường cờ Tổ quốc trong dịp Tết Độc lập 2024. Ảnh: Nam Lê

Với tâm thế mừng ngày Quốc khánh đất nước, trước đó vài ngày, các hộ dân làng Sung Le Tung (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, cắm cờ Tổ quốc trước nhà. Em Rơ Lan H’ Phứch đang học năm 3 ngành Công tác xã hội tại Trường Cao đẳng Gia Lai, trong dịp nghỉ Tết Độc lập cũng tranh thủ về nhà mừng ngày Quốc khánh cùng gia đình. H’Phứch chia sẻ: Mấy năm gần đây, dịp nghỉ Tết Độc lập là gia đình, họ hàng lại sum vầy. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình cùng trò chuyện, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống với nhiều hy vọng ngày mai tươi sáng hơn.

“Chiều 31-8, gia đình đã cùng nhau nấu bánh tét và chuẩn bị cơm lam, gà nướng để ngày hôm nay bắt đầu vui Tết Độc lập. Đội cồng chiêng trong làng cũng tổ chức đánh chiêng, múa xoang tại Nhà văn hóa của làng suốt mấy ngày nghỉ lễ 2-9. Khi tiếng chiêng vang lên, bà con trong làng cùng nhau mang đến các thức món, rượu ghè... chung vui, múa xoang tạo ra một bầu không khí vui tươi, phấn khởi”- em H’ Phứch bày tỏ.

Tương tự, tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) những ngày này, chúng tôi cảm nhận cuộc sống bình yên, vui tươi. Hai bên đường trung tâm xã Ia Dêr, cờ Tổ quốc tung bay dưới bầu trời xanh. Ông Ksor Hích-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Breng 1 (xã Ia Dêr) thông tin: Làng có 214 hộ, 1.003 khẩu, 100% dân số là người Jrai. Tết Độc lập năm nay, nhiều gia đình ở làng có con đi học và đi làm xa nhà đều trở về, bà con đều tổ chức ăn tết Độc lập trong niềm hân hoan, hạnh phúc.

Ông Hích bày tỏ: Vợ chồng tôi có 3 người con. Cô con gái út đang học năm thứ 3 chuyên ngành mầm non Đại học Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk. Tết Độc lập được nghỉ về nhà nên gia đình làm mâm cơm mừng ngày Tết Độc lập của đất nước, mừng con về sum vầy gia đình. “Cùng với đó, để mừng ngày Quốc khánh, mình nói bà con trong làng treo cờ Tổ quốc trước nhà. Việc làm này thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng trở thành việc làm hàng năm, đi vào nền nếp của dân làng, tạo không khí hân hoan, vui tươi gắn kết cộng đồng”-ông Hích cho hay.

Ông Ksor Hích (bìa trái)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Breng 1 (xã Ia Dêr) hướng dẫn người dân treo cờ Tổ quốc mừng ngày Quốc khánh. Ảnh: Đinh Yến

Ông Ksor Hích (bìa trái)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Breng 1 (xã Ia Dêr) hướng dẫn người dân treo cờ Tổ quốc mừng ngày Quốc khánh. Ảnh: Đinh Yến

Theo ông Ksor Grin (làng Breng 1, xã Ia Dêr), lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông đi trước vì độc lập dân tộc. Bởi vậy, treo cờ Tổ quốc vào dịp Quốc khánh đất nước là thể hiện lòng yêu nước, sự biết ơn, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đặc biệt, với ông, treo cờ Tổ quốc còn là hành động nhằm giáo dục con cháu về truyền thống hào hùng của dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

Còn với người Bahnar ở xã Glar (huyện Đak Đoa) lại đón Tết Độc lập theo cách riêng của mình. Bà Hồ Thị Duyên-Công chức văn hóa-xã hội xã Glar-cho hay: Năm nào cũng thế, mừng ngày Tết Độc lập, tại sân vận động huyện Đak Đoa tổ chức giải bóng đá truyền thống chào mừng ngày Quốc khánh đất nước. Giải diễn ra từ ngày 4-8 đến trận chung kết diễn ra vào chiều ngày 2-9. Xã Glar có 45 thành viên tham gia Giải. “Kết thúc Giải đấu, thanh niên nam nữ trong xã gặp mặt, giao lưu. Còn ở các thôn, làng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, có nhà làm mâm cơm mời anh em họ hàng gặp nhau sum vầy. Có gia đình thì gác lại công việc, vợ chồng con cái cùng đi dã ngoại vui Tết Độc lập”-bà Duyên bày tỏ.

Mặc cho trời mưa, theo truyền thống, đội bóng của các làng thuộc xã Glar (huyện Đak Đoa) vẫn ra sân thi đấu chào mừng Tết Độc lập. Ảnh: Đ.Y

Mặc cho trời mưa, theo truyền thống, đội bóng của các làng thuộc xã Glar (huyện Đak Đoa) vẫn ra sân thi đấu chào mừng Tết Độc lập. Ảnh: Đ.Y

Chị Nhêm (làng Dơk Rơng, xã Glar) chia sẻ: “Ngày thường, tôi bận bịu việc cơ quan; chồng làm rẫy nên ngày nghỉ lễ tôi dành toàn bộ thời gian vui chơi cùng con. Cả gia đình cùng đến một số điểm vui chơi ở TP. Pleiku và ăn những món ưa thích, tạo tâm lý thoải mái cho tất cả mọi người. Đặc biệt cả gia đình cùng chụp chung những bức ảnh, có những kỷ niệm đẹp cùng nhau”.

Anh Siu Mai-Trưởng thôn Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) không khỏi bồi hồi, xúc động khi tự tay cắm lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Tết Độc Lập. Ảnh: Lạc Hà

Anh Siu Mai-Trưởng thôn Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) không khỏi bồi hồi, xúc động khi tự tay cắm lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Tết Độc Lập. Ảnh: Lạc Hà

Khác với mọi ngày, làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) vốn yên ả nay bỗng bừng sáng khi phủ lên mình cờ đỏ sao vàng. Mừng ngày Quốc khánh năm nay, gia đình ông Siu Mai-Trưởng thôn Plei Ơi nấu một mâm cơm để các thành viên quây quần bên nhau.

Ông Siu Mai bộc bạch: Phần lớn các gia đình người Jrai trong làng Plei Ơi quanh năm bán mặt cho ruộng, rẫy nên họ "ăn" lễ rất đơn giản nhưng vẫn đong đầy cảm xúc. Gia đình ông trưởng thôn cũng vậy. “Mọi năm, nhà mình thường nấu những món ăn đơn giản nhưng đậm hương vị ẩm thực Tây Nguyên như lá mì xào cà đắng, nộm đu đủ… để chung vui cùng mọi người. Năm nào kinh tế gia đình khấm khá hơn thì bắt vài con gà, vịt, nấu những món cầu kỳ để thiết đãi bạn bè gần xa, cùng chung vui mừng Quốc khánh”-ông Mai bộc bạch.

Theo ông Rmah Thuyn-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), thời gian qua, UBND xã đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chào mừng ngày Quốc khánh 2-9 như: Hội thi văn hóa-văn nghệ, giải bóng đá truyền thống… Từ đó, thu hút đông đảo bà con tham gia, cổ vũ. Ngoài ra, các đường làng, ngõ xóm trong xã cũng được quét dọn sạch sẽ trước khi chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ trọng đại này.

Phụ nữ huyện biên giới Đức Cơ mừng ngày Quốc khánh 2-9. Ảnh: Nam Lê

Phụ nữ huyện biên giới Đức Cơ mừng ngày Quốc khánh 2-9. Ảnh: Nam Lê

… Đối với người dân Gia Lai, Tết Độc lập không chỉ là dịp để kỷ niệm mừng vui về nền tự do của dân tộc mà còn là dịp để họ thể hiện sự tự hào về một đất nước hùng cường, về tình yêu thương, đoàn kết, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, con cái được học hành đàng hoàng hơn; chung sức thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ, kề vai vươn sức sánh vai cường quốc.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.