Anh Rmah Bling (làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) kể: Trước đây, gia đình bố mẹ khó khăn nên sau khi lấy vợ và ra ở riêng, vợ chồng anh chỉ được chia cho mảnh đất khoảng 100 m2 để dựng nhà ở. Để trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học, vợ chồng anh phải đi làm thuê đủ việc từ làm cỏ, thu hoạch nông sản cho đến bốc vác. Thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ 1 cặp dê sinh sản, đồng thời tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, dê.
Anh Rmah Bling (đứng giữa, làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân trong làng. Ảnh: Q.T |
“Đến nay, đàn dê đã được 5 con, đàn bò được 4 con, cộng với tiết kiệm trong chi tiêu, mình cũng mua thêm đất rẫy trồng 300 cây cà phê. Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm chăm sóc của bà con dân làng, mình cũng tận dụng nguồn phân bò, dê sau khi ủ để bón cho vườn cây nên năng suất cà phê ngày càng nâng lên. Vợ chồng mình hứa sẽ tiếp tục cố gắng làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, phát triển thêm đàn gia súc và mua thêm đất để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”-anh Bling phấn khởi nói.
Theo anh Kpui Chúc-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tol, người dân chủ yếu dựa vào cây cà phê, lúa nước và chăn nuôi bò, dê. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp về cây-con giống, vốn vay ưu đãi cũng như hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, bà con đã biết cách làm ăn, đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên đời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Năm 2022, làng còn 8 hộ nghèo. Tính đến thời điểm này, làng đã có 4 hộ thoát nghèo, hiện còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Nhiều năm trước, do không có đất sản xuất, gia đình chị Rmah HPép cũng thuộc diện hộ nghèo của làng Plei Lao, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Được sự quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cùng với nỗ lực vươn lên, gia đình chị HPép đã từng bước ổn định cuộc sống. “Năm 2021, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 60 triệu đồng, mình đã mua 4 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn bò đã được 8 con. Nhờ chịu khó làm thuê và tiết kiệm, vợ chồng mình cũng mua được 2 sào lúa nước, 4 sào đất để trồng bắp, mì. Bây giờ, cuộc sống đã đỡ khổ hơn, mình sẽ cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững”.
Nhờ chịu khó làm ăn cùng sự hỗ trợ của các cấp, đời sống kinh tế gia đình chị Rmah H’Pép ngày càng ổn định hơn. Ảnh: Q.T |
Ông Nguyễn Công Chung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: Ngay từ đầu năm, Phòng tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, trong đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 9,43% (giảm 2,54% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra 0,25%) và 10,05% hộ cận nghèo (giảm 2,48% so với năm 2022 và vượt kế hoạch đề ra 0,5%).
Còn ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê thì thông tin: Trong năm 2023, các cấp Hội đã tổ chức luân chuyển, nhân rộng được 16 đàn dê thoát nghèo với số lượng 58 con và 4 con bò vàng cho 20 hộ hội viên với tổng giá trị trên 104 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hội viên nông dân nghèo, khó khăn vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 135 tỷ đồng với 4.597 hộ vay qua 88 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp đào tạo 9 lớp dạy nghề cho 163 hội viên nông dân với các nghề đào tạo như: sửa máy nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thợ xây… Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,04% và hộ cận nghèo còn 7,76%; thu nhập bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng.