Đak Pơ kết nghĩa để hỗ trợ các làng dân tộc thiểu số vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên cơ sở phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ (tỉnh Gia Lai), các cơ quan, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa và chủ động triển khai hỗ trợ về nhiều mặt để thúc đẩy các làng dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên.

Kết nghĩa để giảm nghèo

Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ phân công Văn phòng Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và Huyện Đoàn phụ trách, giúp đỡ làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc.

Ông Bùi Viết Thính-Chánh Văn phòng Huyện ủy-cho biết: Các đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết với tổng kinh phí 12 triệu đồng. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, nhu cầu thực tế của người dân, Văn phòng Huyện ủy đã kết nối với Mạnh Thường Quân hỗ trợ 1 địa chỉ nhân đạo với số tiền 200 ngàn đồng/tháng; hỗ trợ 1 con bê trị giá 8,5 triệu đồng cho hộ anh Đinh Hdết làm sinh kế. Đây là hộ nghèo, thiếu cả kinh nghiệm lẫn tư liệu sản xuất.

“Các cơ quan cử cán bộ hướng dẫn anh Đinh Hdết về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và vận động gia đình vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân 10 triệu đồng để mua phân bón chăm sóc cây mì, bắp. Đến cuối năm 2023, gia đình anh Hdết đã thoát nghèo”-ông Thính phấn khởi nói.

Hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đak Pơ ký kết nghĩa, hỗ trợ làng Groi, xã Ya Hội. Ảnh: A.P

Hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đak Pơ ký kết nghĩa, hỗ trợ làng Groi, xã Ya Hội. Ảnh: A.P

Bà Phạm Thị Thúy-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc-cho hay: Xã có 8 làng, tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 70%. Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công 17 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách giúp đỡ làng Jun, làng Bung Bang Hven, Jro Ktu Đak Yang, Krông Hra và Kruối Chai.

Các cơ quan được phân công phụ trách đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tích cực vận động người dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế để ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

“Năm 2023, toàn xã có 50 hộ thoát nghèo. Cũng nhờ sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, làng Bung Bang Hven đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2023”-bà Thúy thông tin.

Còn ông Trần Vũ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Phú An thì cho biết: Làng Đê Chơ Gang có 135 hộ, người Bahnar chiếm gần 90% dân số. Đến nay, làng đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, 4 tiêu chí chưa đạt gồm: quy hoạch, môi trường, thu nhập và hộ nghèo.

Làng còn 21 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo. Năm 2024, các cơ quan, đơn vị, trường học được huyện phân công và các cơ quan, đoàn thể của xã đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về sinh kế, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình phụ; tuyên truyền, vận động các hộ phát huy nội lực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi để từng bước cải thiện thu nhập.

“Với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị xã và sự chung sức đồng lòng của người dân, Đê Chơ Gang đang phấn đấu đạt chuẩn làng NTM vào cuối năm 2024”-ông Thanh nói.

Tập trung hỗ trợ làng DTTS

Huyện Đak Pơ có 20 làng đồng bào DTTS với 2.690 hộ/11.157 khẩu, chiếm 24,11% dân số toàn huyện. Từ năm 2020 đến nay, cùng với việc tranh thủ mọi nguồn lực của các chương trình, dự án và ngân sách địa phương, huyện đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các làng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 66 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách, giúp đỡ các làng đồng bào DTTS trên địa bàn. Năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ bằng hiện vật, kinh phí tổng cộng hơn 356,8 triệu đồng cho các làng; giúp 7 hộ thoát nghèo và 2 hộ từ nghèo lên cận nghèo. Đến nay, huyện có 2 làng đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm làng Đê Chơ Gang đạt chuẩn NTM.

Với sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị của huyện Đak Pơ nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yang Bắc phát triển chăn nuôi, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Minh

Với sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị của huyện Đak Pơ nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yang Bắc phát triển chăn nuôi, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đặng Thành Công-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ-cho biết: “Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phụ trách, giúp đỡ các làng DTTS và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công Hội Liên hiệp phụ nữ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính-Kế hoạch kết nghĩa, hỗ trợ làng Groi (xã Ya Hội); phân công Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Kinh tế-Hạ tầng hỗ trợ làng Kuk Kôn (xã An Thành). Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện những công trình, phần việc đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Trường, để tiếp tục thực hiện chủ trương theo dõi, giúp đỡ các làng DTTS trên địa bàn huyện, các cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi, giúp đỡ cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng làng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, tuyên truyền, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu đề ra”-ông Trường nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Tổng thống Philippines gần đây ký ban hành Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển của quần đảo. Trung Quốc công bố tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, rạn san hô, bao gồm 64 cấu trúc ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

(GLO)- Những ngày qua, không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại lan tỏa khắp các khu dân cư trên địa bàn thị xã An Khê. Ngày hội là dịp để chính quyền địa phương triển khai các công trình ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết và chung sức xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.