(GLO)- Cuối năm 2019, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) triển khai 6 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các dự án bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực và được người dân hưởng ứng tích cực.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Tổng nguồn vốn thực hiện 6 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hơn 4,1 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ hơn 200 triệu đồng, còn lại do người dân đối ứng.
6 dự án gồm: liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C; chuỗi liên kết sản xuất cây bời lời (xã Hà Đông); sản xuất hồ tiêu sạch bền vững (xã Nam Yang); xây dựng vùng nguyên liệu cây bơ, sầu riêng (xã Trang); sản xuất rau củ quả an toàn (xã Tân Bình) và sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP (xã Kon Gang).
Qua hơn 1 năm thực hiện, các dự án đã hoàn thành mục tiêu đề ra là từng bước hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững cũng như góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo thu nhập ổn định khi đầu vào và đầu ra được đảm bảo.
Tổ liên kết sản xuất các loại cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Kon Gang hiện đã mở rộng diện tích lên gần 15 ha. Ảnh: Quang Tấn |
Một trong những dự án tạo được sự lan tỏa lớn trong nhân dân là liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C được triển khai trên địa bàn 7 xã: A Dơk, Ia Băng, Ia Pết, Hnol, Hà Bầu, Đak Krong và Đak Sơ Mei. Dự án có tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, quy mô 320 ha với sự tham gia của 260 hộ trồng cà phê trên địa bàn.
Khi tham gia dự án, các hộ dân được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững theo quy trình 4C để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ một phần phân bón cũng như mua vật tư đầu vào với giá rẻ hơn thị trường. Đặc biệt, sản phẩm được doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu và hỗ trợ cộng thưởng thêm 150 đồng/kg cà phê nhân.
Tham gia dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, anh Thuynh (làng Bông Lar, xã Ia Băng) cho biết: Trước đây, do không biết cách chăm sóc nên 1 ha cà phê của gia đình anh cho năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân.
“Khi tham gia dự án, mình được hướng dẫn tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc… Nhờ vậy, chi phí sản xuất thấp hơn mà năng suất cà phê lại tăng. Vụ này, gia đình dự kiến thu hơn 3 tấn nhân. Vụ tới, mình sẽ tiếp tục liên kết với công ty để sản xuất theo quy trình 4C nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê”-anh Thuynh chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Đô-Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất các loại cây có múi xã Kon Gang chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: Quang Tấn |
Dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Kon Gang cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Qua hơn 1 năm triển khai, tổ liên kết gồm 20 thành viên đã mở rộng vùng nguyên liệu cam Đường Canh, quýt đường, bưởi da xanh, cam Vinh lên gần 15 ha. Các sản phẩm của tổ liên kết sản xuất đã có chỗ đứng trong hệ thống Siêu thị Co.op Mart, thị trường TP. Hồ Chí Minh và nhiều cửa hàng bán rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Đô-Tổ trưởng tổ liên kết-cho biết: “Tham gia tổ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có rất nhiều lợi ích như: sản phẩm sản xuất ra an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, được thị trường ưa chuộng, được bao tiêu với giá cao và ổn định. Đặc biệt, các thành viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau nâng cao ý thức trong thực hiện quy trình sản xuất thông qua việc giám sát chéo lẫn nhau, từ đó sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô cũng như tiến hành đăng ký tham gia sản phẩm OCOP để nâng tầm và mở rộng thị trường sản phẩm cây có múi Kon Gang”.
Đánh giá về hiệu quả các dự án, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay, các dự án bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất tập trung theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, hữu cơ… nên năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, người dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như được cung ứng vật tư đầu vào với giá ưu đãi nên chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng. Đồng thời, người dân được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Qua đó, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.
QUANG TẤN