Nhiều lợi ích từ chương trình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) và Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) vừa ký kết chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao. Nhiều điểm mới trong phương thức liên kết sản xuất hứa hẹn mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng tầm hạt gạo và tăng thu nhập cho nông dân.

Nâng cao chất lượng sản xuất lúa

Thời gian qua, huyện Phú Thiện đã xây dựng thành công “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai” để sản phẩm gạo của địa phương được bảo hộ trên thị trường cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, việc liên kết với doanh nghiệp tầm cỡ như Tập đoàn Lộc Trời hứa hẹn mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Theo kế hoạch, trong vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện sẽ gieo trồng hơn 6.272 ha lúa. Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời liên kết với các hộ dân trong huyện gieo trồng 500 ha lúa Đài Thơm 8.

Điều khác biệt là Công ty đưa ra quy trình sản xuất lúa và cử kỹ sư theo sát để hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân thực hiện đồng bộ trên diện tích đã ký hợp đồng liên kết. Cùng với đó, Công ty cũng đưa ra những điều khoản chia sẻ rủi ro, hỗ trợ thông tin cũng như áp dụng những tiến bộ mới nhất trong sản xuất lúa nhằm nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Phạm Ngọc
Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Phạm Ngọc


Theo ông Mai Ngọc Quý, việc phối hợp liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt, huyện sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, hình thành mối liên kết giữa “4 nhà”…

Ông Phùng Tất Thắng-Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Thiện-cho biết: Vụ Đông Xuân 2020-2021, đơn vị đăng ký tham gia mô hình với diện tích 50 ha, có 100 hộ tham gia. Doanh nghiệp cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm với giá bằng đến cao hơn giá thị trường. Hiện nay, HTX cùng đại diện Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia mô hình.

Ông Phùng Vinh An-Giám đốc vùng 2-vùng cây ôn đới (Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời) thông tin: Lần ký kết này được xem là cái “neo” để giữ mối liên kết được bền chặt, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Trên cơ sở thực hiện vai trò kết nối, Công ty sẽ đưa khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích và chia sẻ lợi ích với nông dân.

“Muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho nông dân không còn cách nào khác là phải thông qua HTX. Làm sao để không thay đổi hình thức sở hữu ruộng đất nhưng vẫn tổ chức được sản xuất thì đó là con đường liên kết”-ông An chia sẻ kinh nghiệm.

Đổi mới phương thức liên kết

Theo ông Mai Ngọc Quý, Tập đoàn Lộc Trời cung ứng 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân đến khi thu hoạch sẽ khấu trừ không tính lãi. Đồng thời, Tập đoàn Lộc Trời sẽ thu mua lúa tươi của bà con tại ruộng.

Việc ký kết sản xuất và bao tiêu lúa sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Phạm Ngọc
Việc ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Phạm Ngọc


Ông Phùng Vinh An cũng cho biết: Công ty cũng đã có những điều chỉnh phương thức liên kết phù hợp với xu thế chung, đảm bảo sẽ giải quyết căn bản những vấn đề bất cập khi có phát sinh. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân mà còn giúp doanh nghiệp có được các vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

“Chúng tôi sẽ thực hiện phương châm là cùng trồng, cùng tạo ra sản phẩm chất lượng, giá cao và cùng bán. Tin rằng, những sự thay đổi cần thiết trong quy trình hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả tích cực và bền vững trong tương lai”-ông An thông tin.

Bày tỏ sự phấn khởi khi mối liên kết khơi thông đầu ra cho lúa gạo được khởi động, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho rằng: Đây là bước khởi đầu cho cách làm mới phù hợp chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp. Trách nhiệm, uy tín và hiệu quả của việc liên kết được tạo dựng nhờ những thay đổi cần thiết thông qua tuyên truyền, vận động.

Ủy ban nhân dân huyện sẽ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết. Đồng thời, huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để duy trì phát triển mối liên kết và mong rằng HTX và nông dân đoàn kết, nhất trí thực hiện để liên kết này thật sự bền vững. “Có thể nói đây là điều kiện để địa phương tiếp tục quảng bá gạo Phú Thiện ra thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân”-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện khẳng định. 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.