Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Không phải cứ tổ chức nhiều cuộc giám sát là đem lại hiệu quả
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 27/5, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, công tác giám sát tối cao, giám sát chuyên đề đã được đổi mới, tăng cường và thực hiện có hiệu quả; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng đổi mới và tăng cường được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.
Đại biểu Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương và địa phương; tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên của Chính phủ bởi đây là vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho biết cần quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị giám sát, đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể các nội dung giám sát, cần thành lập tổ công tác, giúp việc của đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các Đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về lĩnh vực giám sát.
Bên cạnh đó, đại biểu Thắng cho rằng cần tích cực thu thập các kết luận thanh kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát. Tổ công tác của đoàn giám sát cần làm việc trước với cơ quan đơn vị liên quan, xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát.
"Sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, Nghị quyết kết luận giám sát phải nêu cụ thể các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể," ông Thắng góp ý.
Ngoài ra, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, vị đại biểu đoàn Hưng Yên kiến nghị đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, trong tổ chức thực hiện của mỗi chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có những bất cập như vừa phân công cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát vừa phân công cho Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát. Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát.
“Không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhiều cuộc làm việc là đem lại hiệu quả cho cuộc giám sát mà muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng,” bà bày tỏ quan điểm.
Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt của Quốc hội
Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết về các hình thức giám sát, điểm mới là thành lập các tổ công tác, hoạt động độc lập, đi đến tận cùng vấn đề, rõ vấn đề cần có các tổ công tác này. Đại biểu cho rằng cần tính toán làm sao để tránh làm phiền địa phương, chịu trách nhiệm với vai trò, vị trí của mình, với mục tiêu làm rõ vấn đề trong báo cáo chưa có.
Thừa nhận hiện kinh phí dành cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương còn ít ỏi, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét nâng mức kinh phí cho hoạt động giám sát để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Đại biểu Nga cũng đề nghị việc tham gia Đoàn giám sát của đại diện các cơ quan hữu quan, đặc biệt là lãnh đạo các bộ tham gia vừa với tư cách là chuyên gia tham gia Đoàn giám sát, vừa với tư cách là cơ quan chịu sự giám sát, đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giám sát.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, qua thảo luận cho thấy, đa số ý kiến thống nhất Tờ trình và dự kiến chương trình giám sát; ghi nhận việc chuẩn bị báo cáo một cách công phu. Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với các nhận định đánh giá về kết quả hoạt động giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 với nhiều đổi mới hiệu quả; bày tỏ cơ bản thống nhất với dự kiến của năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan Quốc hội nghiên cứu để tham mưu để điều hòa các hoạt động giám sát và tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát.
“Việc triển khai Chương trình giám sát 2024 với nhiều nội dung tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ là cơ sở quan trọng để sửa đổi các quy định pháp luật về hoạt động giám sát nói riêng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung theo đúng tinh thần giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội,” ông Phương nhấn mạnh.