Không chùn bước trước khó khăn
Chiều muộn, bà Đào Thị Dịu-Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Tây Sơn (TP. Pleiku) vẫn tất bật chăm sóc vườn cây ăn quả. Bà tươi cười chia sẻ: “Tôi còn sức khỏe thì còn làm việc, vừa mang lại thu nhập cho gia đình vừa làm gương cho con cái”.
Năm 1965, bà Dịu viết đơn tình nguyện tham gia TNXP và công tác tại Ty Vận tải Hà Nội, làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, thực phẩm cho chiến trường. 2 năm sau, bà được đơn vị xét cho chuyển ngành và đi học ngành Dược, Kế toán. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Dịu làm kế toán tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1990).
Hội Cựu TNXP tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội”. Ảnh: M.N |
Với số tiền dành dụm được, bà mua 3 ha đất để trồng cà phê, đào ao nuôi cá và chăn nuôi gà. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, mở rộng diện tích, đến nay, gia đình bà sở hữu 10 ha cà phê, 500 m2 ao cá, 100 con gà cùng vườn cây ăn quả. Từ mô hình này, thu nhập của gia đình đạt gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Hội Cựu TNXP phường Tây Sơn hiện có 50 hội viên. Với vai trò Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường, bà Dịu đã tích cực vận động mọi người và tiên phong đóng góp kinh phí xây dựng Quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội”. Hiện tại, nguồn quỹ của Hội Cựu TNXP phường là hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã trích cho 12 hội viên vay không tính lãi (12 triệu đồng/hội viên) để phát triển kinh tế.
Ông Trương Minh Hải-Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Pleiku-cho hay: “Bà Đào Thị Dịu là điển hình trong phát triển kinh tế của thành phố. Hội Cựu TNXP thành phố đã tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi mô hình này để học tập, nhân rộng. Cùng với đó, Quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội” của phường cũng phát huy hiệu quả vì giúp đỡ được nhiều hội viên khó khăn”.
Hơn 30 năm định cư ở thôn Điểm 9 (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện), bà Nguyễn Thị Vượng luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ dạy thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Tiếp thu lời dạy của Bác, bà Vượng quyết tâm vượt qua khó khăn, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1981, gia đình bà Vượng vào xã Ia Hiao lập nghiệp, xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu, bà Vượng được Nhà nước hỗ trợ 2.000 m2 đất ở và sản xuất. “Ngày đầu lập nghiệp thật vất vả, nhà đông con, vốn không có, lúa trồng theo vụ mùa. Không nản chí, tôi cùng gia đình vẫn quyết tâm bám trụ để phát triển kinh tế”-bà Vượng chia sẻ.
Nhận thấy điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương phù hợp với trồng trọt, bên cạnh 1 ha lúa nước, bà Vượng vay mượn để mua đất và trồng thêm 1 ha điều. Đất không phụ công người, sau bao năm dồn công sức, bà Vượng từng bước mở rộng diện tích, trồng thêm 2 sào bưởi da xanh và xoài; nuôi hơn 100 con ngan, gà để tăng gia sản xuất. Mỗi năm, doanh thu từ mô hình kinh tế trên 150 triệu đồng, số tiền chưa lớn so với nhiều người nhưng là sự nỗ lực của 1 cựu TNXP ở tuổi 70.
Hàng năm, bà Vượng đều trích một phần lợi nhuận để tặng quà cho đồng đội, học sinh vượt khó trên địa bàn xã. Đặc biệt, bà Vượng còn cho cựu TNXP Lại Thị Lan (thôn 1, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) vay 15 triệu đồng không tính lãi để làm vốn chăn nuôi. “Chồng tôi qua đời vì ung thư, cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn. Sự hỗ trợ của đồng đội giúp tôi có thêm động lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống”-bà Lan bày tỏ.
Nghĩa tình đồng đội
Phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội” đã trở thành hoạt động thường xuyên và nổi bật của các cấp Hội Cựu TNXP trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào này, nhiều cựu TNXP đã thành công trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 347 hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi với các loại hình: dịch vụ, kinh doanh thương mại, xây dựng dân dụng, trang trại, trồng trọt… Trong đó có 199 hội viên có mô hình kinh tế với doanh thu hàng năm từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; 148 hội viên có doanh thu từ 1 đến 6 tỷ đồng. Qua đó, các cựu TNXP đã giải quyết việc làm cho 500 lao động.
Tuổi đã cao nhưng bà Đào Thị Dịu-Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Tây Sơn (TP. Pleiku) vẫn tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Minh Nhật |
Hội Cựu TNXP các cấp đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện Quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội”, giúp nhau vốn phát triển kinh tế. Tổng Quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội” ở 17 Hội cấp huyện, thị xã, thành phố trên 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, các cấp Hội đã giúp 120 hội viên vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa 6 căn nhà cho hội viên khó khăn; tặng hơn 550 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.
Bà Mai Thị Viễn-Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Krông Pa-cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 100 hội viên có thu nhập 80-150 triệu đồng. Các hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” đã góp phần gắn kết tình cảm giữa các cựu TNXP, giữa hội viên với tổ chức Hội và tạo động lực để cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.
Mới đây, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tổng kết, biểu dương 16 tập thể, 70 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội” giai đoạn 2016-2022. Ông Trần Văn Bình-Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh-thông tin: “Những năm qua, các cấp Hội Cựu TNXP trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, triển khai phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội”; khuyến khích hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đơn vị tổ chức để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Với tinh thần “trẻ xung phong, già mẫu mực”, các cựu TNXP trên địa bàn tỉnh tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ sau về truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên trong cuộc sống”.