Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng học tập và làm theo Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn nêu gương sáng trong học tập và làm theo Bác, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi và giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Khởi sinh năm 1956 và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Gần 5 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào chiến công đánh đuổi Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

img-4544.jpg
CCB Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) luôn nêu gương sáng làm theo Bác, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và giúp đỡ đồng đội. Ảnh: Ngọc Minh

Năm 1978, ông Khởi rời quân ngũ, trở về quê nhà, lập gia đình và gắn bó với đồng ruộng. Vợ chồng ông chịu khó lao động nhưng do thiếu đất canh tác nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bằng nghị lực của người lính, ông đã chèo chống gia đình từng bước vượt qua và không ngừng kiếm tìm cơ hội phát triển kinh tế.

Trong một lần vào xã Yang Bắc thăm người thân, thấy khí hậu mát mẻ, đất đai rộng rãi, tiềm năng phát triển trồng trọt, chăn nuôi tốt hơn quê nhà. Đầu năm 2000, ông Khởi quyết định đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Ban đầu, cả gia đình sống trong căn chòi chật hẹp, hàng ngày vợ chồng ông vừa tăng gia sản xuất, chăn nuôi vừa làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống.

“Thấy gia đình khổ quá, chính quyền địa phương bình xét vào diện hộ nghèo nhưng tôi từ chối ngay. Tôi nghĩ mình phải quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất này. Đó là cách học tập và làm theo Bác thiết thực hiệu quả nhất”-ông Khởi bộc bạch.

img-4528.jpg
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi (thứ 2 bên phải ở làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả, kinh tế ngày càng khấm khá. Ảnh: Ngọc Minh

Sau nhiều năm tích cóp được chút vốn, ông Khởi mua hơn 1ha đất sản xuất, trồng hơn 100 cây nhãn lồng, đồng thời trồng xen cây đu đủ, chuối tiêu hồng nhằm lấy ngắn nuôi dài, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Ông Khởi cũng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, bò để gia tăng thu nhập. Hàng năm, cứ có thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, ông Khởi tái đầu tư và dành dụm tiền mua thêm đất sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế ngày càng khấm khá.

Ông Khởi thông tin: “Nay gia đình có hơn 20ha đất sản xuất. Trong đó, khoảng 10ha khu vực đồi cao sỏi đá tôi trồng bạch đàn, còn lại hơn 10 ha tôi trồng đa dạng cây ăn quả, đào 3 cái ao có tổng diện tích gần 1 ha trữ nước tưới cây, nuôi cá. Ngoài trồng 800 cây ổi, 700 cây nhãn, tôi trồng chuối, mít, na, vú sữa hoàng kim, chanh, xoài, bơ, dừa. Tôi còn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chiết cành, nhân giống, mỗi năm cung cấp thị trường hơn 5.000 cây nhãn, cây ổi giống. Tất cả đem lại thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí”.

Không những làm giàu cho gia đình, ông Khởi còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho nhiều hội viên CCB, nông dân ở xã và tạo việc làm cho lao động địa phương.

“Học tập và làm theo Bác là công việc thường xuyên, liên tục. Tôi thấy việc gì có lợi cho hội viên CCB, người dân thì làm”-ông Khởi nói.

img-4519.jpg
Ông Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chia sẻ niềm vui được khen thưởng với vợ của mình. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Văn Dơi (làng Kruối Chai) thổ lộ: “Mỗi đợt cuốc cỏ, bỏ phân, đào hố trồng cây, ông Khởi thường kêu 8-10 người trong làng đến làm. Ngoài trả tiền công 200-250 ngàn đồng/người/ngày, ông Khởi còn hỗ trợ ăn uống giữa buổi. Những lúc nghỉ giải lao, ông còn trò chuyện, hỏi han công việc và chia sẻ cách chăm sóc cây trồng hiệu quả. Nhiều năm làm việc cho ông Khởi, tôi đã học hỏi được cách chuyển đổi cây trồng phù hợp và cách bón phân hiệu quả”.

Còn ông Đinh Văn Nec (CCB ở làng Jun, xã Yang Bắc) chia sẻ: Năm 2020, Hội CCB xã tổ chức cho hội viên tham quan mô hình trang trại: Vườn-ao-chuồng-rừng của ông Khởi. Ông Khởi nhiệt tình giới thiệu cách thức xây dựng mô hình hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Sau buổi tham quan, tôi đã chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng mì sang cây nhãn. Áp dụng kinh nghiệm, kỹ thuật ông Khởi hướng dẫn, 3 năm sau vườn nhãn cho thu hoạch.

“Đúc rút thực tế quá trình trồng cây và được ông Khởi thường xuyên hỗ trợ, tôi đã nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả. Đến nay, tôi trồng được 3 sào ổi, 5 sào nhãn đã cho thu hoạch, thu nhập 200-250 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo bền vững”-ông Nec phấn khởi chia sẻ thêm.

img-5250.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi (bên phải ở làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây nhãn cho cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Nhận xét về ông Khởi, Chủ tịch Hội CCB huyện Đak Pơ Đoàn Thanh Định-cho biết: Ông Khởi là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi”, được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, ông Khởi là thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở làng Kruối Chai. Ông đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Các hoạt động, phong trào do Hội và địa phương phát động ông Khởi luôn tham gia đầy đủ.

“Những việc làm thiết thực của ông Khởi đã góp phần lan tỏa gương điển hình học tập và làm theo Bác thực tế, hiệu quả hơn trong cán bộ, hội viên CCB cũng như xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”-ông Định nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

(GLO)- Vào mùa khô, Trường Mẫu giáo 2/9 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Có một hệ thống nước sạch ổn định để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập là mong mỏi bấy lâu của cô và trò ở ngôi trường vùng biên này.

Đức Cơ: Tôn vinh 21 tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025

Phụ nữ huyện Đức Cơ tích cực học tập và làm theo lời Bác

(GLO)- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và lan tỏa điều tốt đẹp trong cộng đồng. 

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

“Bông hồng thép” ở Sư đoàn 320

(GLO)- Môi trường quân đội đòi hỏi kỷ luật cao, rèn luyện nghiêm, cường độ công việc lớn, nhưng vẫn có những “bông hồng thép” lặng lẽ cống hiến và lan tỏa tinh thần vượt khó. Thiếu tá QNCN Trần Thị Thu Hường-Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Chính trị (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) là một minh chứng.

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

(GLO)- Khi tiếng ve gọi hè, trên những tán cây xanh và ở dưới mặt đất ẩm ướt sau những cơn mưa giông đầu mùa trên phố núi Pleiku lập lòe ánh sáng đom đóm. Tất cả báo hiệu một mùa đom đóm bay-mùa bình yên ở thành phố trên cao nguyên xanh.