Cuộc sống mới trên quê hương cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong thời kỳ kháng chiến, xã Chư Krêy là vùng căn cứ cách mạng thuộc khu 7 (huyện Kông Chro ngày nay). Phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đã đoàn kết vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Phát huy truyền thống cách mạng
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không ít người con của Chư Krêy đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Toàn xã có 105 cá nhân tham gia kháng chiến, 66 gia đình có công với cách mạng và 39 liệt sĩ. Với những công lao đóng góp vì nền độc lập, tự do của đất nước, năm 1976, đội du kích xã Chư Krêy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
Diện mạo nông thôn xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) ngày càng khởi sắc. Ảnh: An Phát
Diện mạo nông thôn xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) ngày càng khởi sắc. Ảnh: An Phát
Ông Đinh Hnhơch (làng Sơ Rơn) từng tham gia du kích trong kháng chiến chống Mỹ. Ông kể: “Cha tôi tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Chư Krêy một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp lương thực nuôi bộ đội; gùi vũ khí, lương thực phục vụ kháng chiến”. 
Theo ông Hnhơch, trước đây, Chư Krêy là xã A3 thuộc khu 7. Thời chiến tranh, Chư Krêy là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Chiến tranh kết thúc để lại cho địa phương nhiều hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn. “Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đã từng bước làm thay đổi diện mạo của địa phương. Kết cấu hạ tầng như điện-đường-trường-trạm và nhiều công trình phúc lợi khác đã được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân”-ông Hnhơch phấn khởi nói.
Chung tay xây dựng NTM
Xã Chư Krêy có 6 thôn, làng với 677 hộ, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, người dân đã hiến 37.600 m2 đất, đóng góp 3.465 ngày công và hơn 132 triệu đồng để làm 6,7 km đường nội làng, 8,7 km đường đất cấp phối vào các khu sản xuất tập trung và nhiều công trình phúc lợi khác.
Bà Đinh Thị Mrăm (làng Sơ Rơn) chia sẻ: “Khi xã có chủ trương mở rộng đường vào khu sản xuất, gia đình mình đã hiến 342 m2 đất. Mình cùng chồng con còn đóng góp hàng chục ngày công giải phóng mặt bằng. Giờ con đường đã được đổ bê tông rộng rãi giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản rất thuận lợi”.
Gia đình bà Đinh Thị Mrăm (làng Sơ Rơn, xã Chư Krey) hiến 342 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh An Phát
Gia đình bà Đinh Thị Mrăm (làng Sơ Rơn, xã Chư Krey) hiến 342 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: An Phát
Bà Đinh Thị Alớp-Trưởng thôn Châu-cho biết: “Những năm qua, dân làng đã hiến 2.500 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công và kinh phí để chung tay xây dựng NTM. Năm 2019, làng Châu được xã chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các đoàn thể của làng tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Nhờ vậy, bộ mặt của làng ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được nâng cao. Đến nay, làng đã đạt 15/19 tiêu chí NTM”.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, xã Chư Krêy tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, chất lượng, hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân được nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16,24 triệu đồng, tăng gần 12 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70% (năm 2011) xuống còn 29,54%; trên 85% người dân trong xã tham gia bảo hiểm y tế; 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% làng có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng... Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Theo ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy, để sớm đạt chuẩn NTM, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. “Đồng thời, xã thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn và vốn ngân sách trực tiếp chương trình xây dựng NTM, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cùng các khoản đóng góp của người dân và huy động từ cộng đồng để chung tay xây dựng NTM”-ông Huy nhấn mạnh.
AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.