Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Thế nhưng, nhiều cửa hàng chưa thực hiện đấu nối và chưa đủ điều kiện đấu nối, gây ra nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.

Thực hiện đấu nối còn chậm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên (tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) với quy mô 5.400 m3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 1 kho xăng dầu của Công ty TNHH Dương Đông-Gia Lai (làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) với quy mô 1.400 m3 được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của dự án, hiện kho đang triển khai xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2025.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 413 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động, đa số là cửa hàng xăng dầu cấp III, được phân bố tại các huyện, thị xã, thành phố với 210 thương nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia. Hạ tầng kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cơ bản đảm bảo điều kiện theo quy định.

kho-xang-dau-bac-tay-nguyen-duoc-phe-duyet-quy-hoach-ha-tang-du-tru-cung-ung-xang-dau-khi-dot-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050.jpg
Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: “Trên hệ thống quốc lộ hiện có 206 cửa hàng xăng dầu và tỉnh lộ có 71 cửa hàng xăng dầu. Theo Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 17-11-2022 của UBND tỉnh phê duyệt danh sách các điểm đấu nối vào quốc lộ và tỉnh lộ, toàn tỉnh có 167 cửa hàng xăng dầu (trong đó quốc lộ 117 cửa hàng và đường tỉnh 50 cửa hàng) được phê duyệt điểm đấu nối.

Sau khi tiến hành bổ sung 56 cửa hàng xăng dầu thì hiện nay trên tuyến quốc lộ có 47 cửa hàng, tỉnh lộ có 7 cửa hàng không đủ điều kiện để đưa vào điều chỉnh bổ sung. Qua rà soát, đối chiếu với quyết định và thực tế cho thấy, nhiều vị trí cửa hàng xăng dầu không phù hợp, không đảm bảo khoảng cách với các điểm đấu nối quan trọng”.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 720/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chỉ có 2 cửa hàng xăng dầu đã hoàn thiện thủ tục đấu nối vào quốc lộ; 1 cửa hàng xăng dầu đang thực hiện quy trình thủ tục đấu nối.

Ông Phan Hữu Chính-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên-cho hay: Tại Gia Lai, Công ty có 68 cửa hàng xăng dầu và 1 kho xăng dầu. Hiện Công ty vẫn còn một số vị trí chưa được đấu nối, đặc biệt là việc đấu nối tại kho xăng dầu Bắc Tây Nguyên chưa được chấp thuận. Do đó, Công ty đề nghị UBND tỉnh cũng như các sở, ngành tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu thường xuyên tại kho xăng dầu.

Tích cực tháo gỡ vướng mắc cho thương nhân

Ông Trần Anh Tùng-Phó Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Anh Tú Phát (TP. Pleiku) cho rằng: Trên thực tế, các cửa hàng xăng dầu được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau. Mỗi thời điểm xây dựng, doanh nghiệp đều đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật. Nhưng một số văn bản pháp luật có thay đổi nên đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện có lộ trình, phương án để cửa hàng xăng dầu tiếp tục hoạt động, tránh những bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ và 10 tỉnh lộ. Theo quy định, trên tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19, khoảng cách các điểm đấu nối phải đảm bảo 1.500 m; các tuyến quốc lộ khác và đường tỉnh phải đảm bảo 1.000 m.

Trước khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND thì tất cả các cửa hàng xăng dầu không được lấy ý kiến của Sở Giao thông-Vận tải về việc cấp phép mà chỉ lấy ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ nên mới xảy ra tình trạng các điểm không đảm bảo khoảng cách.

Về giải pháp, theo ông Thái, đối với 54 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện đấu nối, Sở yêu cầu các cửa hàng này không được cơi nới mở rộng, không gây mất an toàn giao thông thì vẫn được tồn tại; đồng thời, đề nghị Sở Công thương đề xuất có lộ trình di dời hoặc xóa bỏ.

Đối với những cửa hàng xăng dầu không đảm bảo khoảng cách theo quy định, gần khu dân cư, quy hoạch khu công nghiệp thì chính quyền các địa phương tính toán ưu tiên và xóa bỏ các điểm liền kề để có cơ sở đưa vào điều chỉnh.

hien-nay-khoang-cach-tu-cong-khu-cong-nghiep-nam-pleiku-den-1-cua-hang-xang-dau-va-kho-xang-dau-bac-tay-nguyen-chua-dam-bao-theo-quy-dinh-nen-kho-khan-ve-dau-noi.jpg
Hiện nay, khoảng cách từ cổng khu công nghiệp Nam Pleiku đến 1 cửa hàng xăng dầu và Kho Xăng dầu Bắc Tây Nguyên chưa đảm bảo theo quy định nên khó khăn về đấu nối. Ảnh: V.T

Trong khi đó, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương thì cho biết: Hiện nay, có 3 nhóm vấn đề doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn vướng là đấu nối, đất đai và môi trường. Đối với những cửa hàng đã được phê duyệt điểm đấu nối, đề nghị sớm triển khai hoàn thành. Những trường hợp không đủ điều kiện theo quy định thì Sở Công thương không cấp giấy chứng nhận. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 420 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Hiện nay đã có 413 cửa hàng.

Tại buổi làm việc ngày 1-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, trong đó có Quyết định số 720/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông-Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các địa phương, doanh nghiệp xăng dầu đến hết tháng 12-2024 phải rà soát 54 cửa hàng xăng dầu còn vướng mắc xem cửa hàng nào được đấu nối; cửa hàng nào không được đấu nối thì phải làm đường gom; còn cửa hàng nào không đủ điều kiện đấu nối, không làm được đường gom thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, sửa chữa.

Quá trình triển khai cũng xem xét đến các vấn đề như về thời điểm xây dựng, quy định pháp luật thời điểm đó thế nào để đề xuất hướng giải quyết cho doanh nghiệp làm đúng theo quy định, đảm bảo được quyền lợi, tránh việc không được đấu nối hoặc chậm đấu nối gây lãng phí về nguồn lực của các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý thăm, tặng quà các gia đình chính sách

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý thăm, tặng quà các gia đình chính sách

(GLO)- Chiều 8-7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), ông Đinh Ngọc Quý-Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã đến thăm, tặng quà 10 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trên địa bàn phường Hội Phú.

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

(GLO)- Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2025 trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị BHXH Bình Định và BHXH Gia Lai, BHXH khu vực XXIII đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thông suốt vận hành nghiệp vụ, đảm bảo không gián đoạn chính sách, giữ vững lưới an sinh xã hội tại tỉnh Gia Lai (mới).

Thủ lĩnh của làng

Thủ lĩnh của làng

(GLO)- Là người gốc Campuchia nhưng dưới họa diệt chủng của bọn Pol Pot, năm 1978, Rơ Mah Blơi đã cùng gia đình sang Việt Nam lánh nạn. Gần 50 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất này, cùng chung tay vun đắp mối quan hệ đoàn kết hai bên biên giới.

null