Chuyển giao dịch vụ hành chính công sang bưu điện: Giảm chi phí, người dân hài lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công tại bộ phận một cửa cấp huyện sang bưu điện đã phát huy hiệu quả thiết thực. Không những tiết kiệm được các khoản chi phí đầu tư cơ sở vật chất, tinh giản biên chế mà còn góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân.


Hiệu quả tích cực

Ông Lương Đình Thảo-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai-cho biết: Có 24 thủ tục liên quan đến đất đai của đơn vị đã được chuyển qua thực hiện tại bưu điện. Điều này giúp kiểm tra, giám sát được quá trình luân chuyển, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời giảm đầu mối giao dịch cho công dân. Đặc biệt, với một số thủ tục đơn giản, người dân có thể nộp hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Sau đó, bưu điện sẽ luân chuyển và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại nhà, đỡ tốn thời gian đi lại.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Tương tự, ông Trịnh Viết Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Tô (huyện Ia Grai) cho hay: Xã được huyện chọn thí điểm thực hiện đề án của tỉnh về chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công sang bưu điện. “Chúng tôi đã cử công chức các bộ phận chuyên môn thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ sang làm việc tại Bưu điện văn hóa xã để trực tiếp hướng dẫn cách thức tiếp nhận, trả kết quả, các quy trình TTHC cho nhân viên bưu điện. Đến nay, xã đã chuyển giao hoàn toàn nhiệm vụ tiếp nhận, trả hồ sơ giải quyết TTHC cho Bưu điện văn hóa xã. Đôi lúc cao điểm lượng giao dịch nhiều khiến việc tiếp nhận chuyển giải quyết hồ sơ của nhân viên bưu điện quá tải, nhưng phần lớn các hồ sơ thủ tục được giải quyết kịp thời”-ông Hùng khẳng định.

Theo ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: Việc chuyển giao bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện sang thực hiện tại bưu điện luôn được huyện chỉ đạo sát sao. Năm 2020, huyện đã tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 161 hồ sơ; tiếp nhận và trả qua dịch vụ bưu chính là 3.751 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hạn. “Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bưu điện huyện đã góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC, tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục. Ngoài ra, dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã giúp nâng cao hiệu quả xử lý TTHC tại huyện, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm áp lực cho cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”-ông Quý thông tin.

Tiết kiệm nhiều khoản đầu tư

Sau khi UBND tỉnh thống nhất chủ trương triển khai thí điểm Đề án tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cùng bộ phận một cửa UBND các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Mang Yang, Krông Pa, TP. Pleiku và 5 bộ phận một cửa UBND cấp xã thuộc các huyện nêu trên, chính quyền các địa phương này đã tích cực hưởng ứng và có văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.

Nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Sau 1 năm thực hiện Đề án, Bưu điện tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị và nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 16/17 bộ phận một cửa cấp huyện và 11/220 bộ phận một cửa cấp xã. Đã có 1.958 TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1.470 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh; 315 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 173 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã; 1.866 TTHC được thực hiện tại bộ phận một cửa của các cấp và 92 TTHC không thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp.

Báo cáo với đoàn công tác Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: Gia Lai là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công sang bưu điện. Các sở, ngành, địa phương không phải đầu tư một khoản chi phí lớn ban đầu để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa mà chỉ phải trả một khoản chi phí hợp lý hàng năm cho Bưu điện tỉnh. “Tuy chưa có đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn đã tiết kiệm cho tỉnh một khoản chi phí cực kỳ lớn. Không những vậy, các sở, ban, ngành, địa phương không phải cử cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết tại bộ phận một cửa. Điều này đồng nghĩa với việc giảm số lượng biên chế phục vụ giải quyết TTHC để chuyển sang làm công tác chuyên môn. Đồng thời, qua đó cũng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các tổ chức, cá nhân, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.