Chư Prông ngăn chặn tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số gia tăng đáng lo ngại. Vì vậy, Công an huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) triển khai các biện pháp nghiệp vụ kết hợp giáo dục, răn đe các đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. 
Vụ TNGT tại khu vực làng Bang Ngol (xã Ia Bang) đã để lại nhiều nỗi đau cho gia đình nạn nhân và sự ân hận của người trong cuộc. Khuya hôm xảy ra tai nạn, sau khi “chén chú chén anh” với bạn bè, Rơ Mah Blơl (SN 1998, trú tại làng Doách, xã Ia Vê) điều khiển xe máy chạy theo hướng ra xã Ia Bang. Tới làng Bang, do không làm chủ tốc độ, Blơl đã tông vào xe máy do anh Rơ Mah Hleng (SN 1988, trú tại làng Bang Ngol) điều khiển. Vụ tai nạn khiến anh Hleng tử vong. 
Vụ TNGT khác xảy ra đầu năm 2020 trên tỉnh lộ 665 (thôn Tân Thủy, xã Ia Ga) giữa 2 xe máy do Bạch Văn Linh (SN 2002, trú tại thôn Tân Thủy, xã Ia Ga) và Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1987, trú tại xã Xuân An, thị xã An Khê) điều khiển cũng khiến anh Dũng tử vong. Những vụ TNGT đó đã để lại mất mát không thể bù đắp cho gia đình nạn nhân.
TNGT ở xã Ia Phìn, huyện Chư Prông
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Duy
Trung tá Nguyễn Đình Cường-Đội trưởng Đội xây dựng phong trào (Công an huyện Chư Prông) cho biết: “Hiện nay, TNGT trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS) gia tăng. Nhiều thanh-thiếu niên nghỉ học sớm, thường tụ tập uống rượu bia và có tâm lý đua đòi, thích thể hiện. Thậm chí có em còn lấy việc tự tử ra để dọa buộc cha mẹ phải mua xe phân khối lớn để “khoe mẽ” với bạn bè. Nhiều gia đình nuông chiều con đã bán nương rẫy, bò, heo... để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các thanh-thiếu niên một khi đã có xe thì tụ tập uống bia rượu, đua xe, nẹt pô, lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều xuất phát từ đây”.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Đình Cường: Mặc dù lực lượng chức năng tuyên truyền rất nhiều nhưng nhận thức của đồng bào DTTS về an toàn giao thông còn hạn chế. Nhiều thanh-thiếu niên sử dụng xe máy phân khối lớn, xe cũ không có kính chiếu hậu, đèn, thậm chí không có phanh. Từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng khiến 5 người chết liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS. 
Để kiềm chế TNGT, Công an huyện Chư Prông đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; gọi hỏi, răn đe, buộc ký cam kết đối với các thanh-thiếu niên thường xuyên có biểu hiện càn quấy, gây rối trật tự, vi phạm an toàn giao thông. Đồng thời, lực lượng Công an phối hợp với nhà trường, Đoàn Thanh niên, người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật và Luật Giao thông Đường bộ.
Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Chư Prông) tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ tại các đơn vị trường học trên địa bàn xã Ia Băng. Ảnh: Hà Duy
Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Chư Prông) tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ tại các đơn vị trường học trên địa bàn xã Ia Băng. Ảnh: Hà Duy
Nói về vấn đề này, cô Siu A Hương-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Prông-thông tin: “Chúng tôi chú trọng triển khai tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ cho các em học sinh thông qua các hình thức như: tổ chức đọc sách, ký cam kết giữa nhà trường với gia đình ngay từ đầu năm học... Cùng với đó, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho bản thân và con em, không được chở 3”. 
Ông Siu Kim-già làng Chư Kó (xã Ia Púch) cho hay: “Thanh niên bây giờ rất thích thể hiện bản thân bằng những việc như: nhậu nhẹt, đua xe. Để hạn chế TNGT, trong các buổi họp làng, tôi thường lồng ghép tuyên truyền những nội dung này để thay đổi nhận thức cho cha mẹ chúng, phải nghiêm khắc và không nuông chiều theo những ý thích vô lối của chúng nữa. Tôi còn tới từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, từ đó chọn cách khuyên răn phù hợp với những thanh-thiếu niên có biểu hiện đua đòi, hư hỏng”. 
Để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho thanh-thiếu niên DTTS, theo Trung tá Nguyễn Đình Cường cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, là phải phát huy được vai trò của người có uy tín để giáo dục, quản lý thanh-thiếu niên ngay từ cơ sở.
“Công an huyện tiếp tục tham mưu giúp Ban An toàn giao thông huyện tăng cường phối hợp với các cơ sở tôn giáo để tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông trong cộng đồng những người theo đạo. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần giám sát, nhắc nhở và tuyệt đối không mua sắm phương tiện cho con em điều khiển khi chưa đủ tuổi theo quy định”-Trung tá Nguyễn Đình Cường khẳng định.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.