Chính sách mới về bảo hiểm, tiền lương có hiệu lực từ tháng 7-2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong tháng 7-2020, nhiều chính sách mới về thuế, bảo hiểm, tiền lương bắt đầu có hiệu lực thi hành.



3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức

Theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1-6-2020 và có hiệu lực từ ngày 20-7-2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp:

1. Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...

2. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27-5-2020 và có hiệu lực từ ngày 15-7-2020.

Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ).


 

 



Song tới đây, người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15-7 tới đây.

Nghị định này đã bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:

- Xác nhận của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong đó có thông tin của NLĐ; loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp NLĐ là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.


 

 



- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

Chưa tăng lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1-7-2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7.

Như vậy, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lương hưu... vẫn giữ ở mức 1.490.000 đồng/tháng, đi cùng đó là các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

 


Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng

Ngày 2-6-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đó, Nghị quyết đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ này là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, tương đương 52,8 triệu đồng/năm. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, tương đương 43,2 triệu đồng/năm.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012), được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại nghị quyết này khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Theo tính toán trước đó của Chính phủ, với mức giảm trừ mới, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.



Theo K.An (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.