Cần sửa đổi những bất cập của Bộ Luật Lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Nhiều quy định của Bộ Luật Lao động không còn phù hợp thực tế, gây khó khăn cho người sử dụng lao động lẫn người lao động

"Khi phỏng vấn, người lao động (NLĐ) thường hỏi ngay công ty có tăng ca hay không? Nếu chúng tôi trả lời là doanh nghiệp (DN) hạn chế tăng ca thì họ không làm. Chúng tôi phân tích nếu làm 8 giờ/ngày mà anh chị có thu nhập 8 triệu đồng/tháng thì vẫn tốt hơn làm 10-12 giờ/ngày với thu nhập 9 triệu đồng/tháng nhưng họ vẫn cứ lắc đầu". Bà Lưu Tú Vân, Phòng Nhân sự Công ty TNHH Đế Lĩnh, cho biết như vậy tại hội thảo "Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM tổ chức tại TP HCM sáng 27-11.

Nên nới khung tăng ca?

Theo đại diện các DN, tăng ca là nhu cầu có thật. Thực tế, nếu không tăng ca thì NLĐ không đủ sống, dẫn đến nhảy việc và DN sẽ thiếu hụt lao động. Bộ Luật Lao động quy định giờ tăng ca 200 giờ/năm là không hợp lý, do vậy nên sửa đổi theo hướng tăng thêm.

Từ thực tiễn tình hình tại DN, ông Lê Đông Giao, Giám đốc Công ty TNHH Unimax Saigon, cho biết khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, các DN dệt may thường tăng ca rất nhiều. Trong khi đó, những tháng khác DN lại không có nhu cầu tăng ca. Từ thực tế này, ông Giao mong mỏi nên nới lỏng khung tăng ca và để DN tự điều chỉnh miễn là không vượt trần. Trả lời đề xuất này, ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa nhận không chỉ DN dệt may mà DN các ngành thủy sản, điện tử… cũng kêu ca về quy định này. "Hiện luật đã bỏ quy định tăng ca không quá 30 giờ/tháng, chỉ còn khống chế mốc không quá 200 giờ/năm. Tuy nhiên, mức này cũng đã lạc hậu và cơ quan chức năng đang lấy ý kiến điều chỉnh" - ông Thiện nói. Cũng theo ông Thiện, sắp tới, luật sẽ quy định nếu DN cho NLĐ tăng ca liên tục trong mấy tuần liền phải bố trí cho NLĐ nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

Về vấn đề tăng tuổi hưu, bà Đào Thị Thúy Hằng, đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam, cho biết phần lớn DN đầu tư vào Việt Nam đều muốn tận dụng nguồn lao động trẻ. Sau một thời gian dài sử dụng, CN lớn tuổi chắc chắn sẽ bị đào thải do năng suất lao động kém. Trong khi đó, đa số lao động Việt Nam là lao động giản đơn. Từ thực tế này, bà Hằng đề xuất nên có sự linh hoạt khi xây dựng tuổi nghỉ hưu cho từng ngành nghề.

Cũng đề cập vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phòng Tổng vụ Công ty TNHH May mặc Wonderful Saigon, chỉ ra một bất hợp lý: "Việc xác định mức độ nặng nhọc, độc hại trong cùng ngành nghề cũng có nhiều bất cập. Ở công ty chúng tôi, ngoài CN may, CN các bộ phận khác như cắt và ủi không được đưa vào diện nặng nhọc, độc hại. Trong khi đó, cường độ lao động của CN ở các bộ phận này rất cao, khó ai có thể làm đến tuổi nghỉ hưu. Theo tôi, nên tính toán kỹ việc nâng tuổi hưu, nhất là CN trực tiếp sản xuất".


 

Công nhân làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Thiên Long - KCN Tân Tạo, TP HCM
Công nhân làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Thiên Long - KCN Tân Tạo, TP HCM



Cơ hội việc làm phải ngang nhau

Bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng là vấn đề được quan tâm tại hội thảo. Bà Phạm Nguyên Cường, chuyên viên tư vấn về lao động và bình đẳng giới, phản ánh thực tế có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, điển hình là nhiều DN chỉ tuyển lao động nam mà không tuyển nữ. "DN phải thực hiện bình đẳng giới vì đây là một trong những nội dung tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng. Bình đẳng nhằm tuyển dụng và giữ chân NLĐ có tay nghề, có kỹ năng. Khi NLĐ cảm thấy được đối xử bình đẳng, họ sẽ hào hứng và làm việc có năng suất, tạo điều kiện cho sự đổi mới, sáng tạo. Việc bình đẳng nâng cao hình ảnh và danh tiếng của DN, tạo thêm niềm tin của bạn hàng và khách hàng. Đồng thời bình đẳng cũng giảm thiểu các nguy cơ về xung đột tại nơi làm việc và kiện tụng" - bà Cường cho hay.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên HĐQT Công ty Viettronics, ở các DN ngành điện tử, lao động nữ khá đông. Ưu điểm của lao động nữ là siêng năng, năng suất lao động cao. Để phát triển bền vững, DN phải biết trân quý và tạo điều kiện cho NLĐ phát triển về mọi mặt, không phân biệt nam hay nữ. Bà Hương khẳng định: "Bình đẳng giới là tạo điều kiện phù hợp với các giới khác nhau, cho lao động nữ và cả lao động nam. Như ở DN chúng tôi, lao động nam được nghỉ trông con ốm, được nghỉ hưởng trợ cấp thai sản (khi vợ sinh). Chăm sóc con cái là nghĩa vụ và quyền lợi cả nam và nữ. Cơ hội bình đẳng giới giữa nam và nữ là như nhau".


Ông MAI ĐỨC THIỆN, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Lấy ý kiến rộng rãi


Hiện nay có rất nhiều vấn đề luật còn bất cập như thời giờ làm thêm đã lạc hậu, cả DN và NLĐ đều phản ứng, mong muốn thay đổi. Tuy nhiên, làm thêm thế nào phù hợp vì làm thêm nhiều NLĐ suy giảm sức khỏe, không có thời gian chăm sóc con cái và không có nơi gửi con. Nhiều vấn đề khác cơ quan soạn thảo mong được lấy ý kiến của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành có liên quan như tuổi nghỉ hưu, thang - bảng lương, hợp đồng lao động, bình đẳng giới, các chế độ dành cho lao động nữ…



Hồng Đào (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.