Mô hình “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với trồng, quản lý và bảo vệ rừng bền vững” được triển khai từ cuối năm 2024 đang mang lại những tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội thoát nghèo và phát triển lâu dài cho cộng đồng buôn Ma Giai.

Toàn cảnh buôn Ama Giai nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Mạo
Gắn sinh kế với giữ rừng
Cách trung tâm xã Phú Túc 24 km, buôn Ma Giai hiện có 187 hộ dân, trong đó có đến 62 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, cuộc sống người dân phụ thuộc vào cây mì, lúa rẫy; việc làm nương rẫy theo thói quen cũ khiến tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Một bộ phận người dân còn phá rừng để làm rẫy, dẫn đến rừng không thể tái sinh tự nhiên.
Từ năm 2023, với sự vận động của chính quyền địa phương, 15 hộ dân đã tự nguyện đăng ký nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 323 ha rừng, cam kết gắn bó với rừng trong vòng 50 năm. Dựa trên cơ sở đó, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng được khởi động thí điểm từ tháng 11-2024 nhằm giúp người dân vừa bảo vệ rừng, vừa tăng thu nhập từ chăn nuôi.
Để tạo động lực ban đầu, chính quyền đã hỗ trợ mỗi hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình 12 triệu đồng để mua bò sinh sản. Đồng thời, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức về bảo vệ rừng và nâng cao ý thức gìn giữ môi trường sinh thái.

Ảnh: Ngô Thu
Gia đình ông Rah Lan Toan được giao quản lý 21 ha rừng tại tiểu khu 1317. Ông Toan chia sẻ: “Hằng tháng, tôi đều vào rừng 3-4 lần để kiểm tra. Việc bảo vệ rừng được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, gia đình tôi còn được hỗ trợ mua bò sinh sản. Đây là động lực để tôi cố gắng tiếp tục giữ rừng tốt hơn nữa”.
Tương tự, chị La O Thị Tiêu cũng được giao quản lý 16 ha rừng tại tiểu khu 1347. Chị đã chủ động trồng thêm 2 sào bạch đàn và nuôi bò, dê trong khu vực được giao.
“Khi thấy hộ nào xâm phạm rừng, tôi thường báo ngay cho thôn trưởng để kịp thời xử lý. Nhờ mô hình, tôi vừa có thêm thu nhập, vừa hiểu rõ hơn trách nhiệm giữ rừng”-chị Tiêu khẳng định.
Lan tỏa tinh thần cộng đồng tự quản
Điểm đáng ghi nhận ở mô hình là tinh thần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ dân tham gia. Họ thay phiên tuần tra rừng, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt dưới tán rừng. Chi bộ buôn Ma Giai thường xuyên tổ chức tuyên truyền, lồng ghép nội dung bảo vệ rừng trong sinh hoạt định kỳ.
Ông La O Á-Bí thư Chi bộ buôn Ma Giai-nhận định: “Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Gia đình nào cũng có thêm thu nhập từ bò, dê, cây trồng. Bà con dần hiểu ra rằng giữ rừng cũng chính là giữ sinh kế. Chúng tôi đánh giá đây là hướng đi đúng, cần nhân rộng và hỗ trợ lâu dài”.

Theo ông Á, nhiều hộ dân sống gần rừng còn chủ động trồng thêm các loại cây phù hợp như bạch đàn, các giống cây gỗ, dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Đây là nền tảng quan trọng để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ rừng, phát triển bền vững mà không đánh đổi môi trường.
Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã góp phần kéo giảm tình trạng phá rừng làm rẫy. Các hộ dân không chỉ có thêm thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng và chăn nuôi. Nhiều hộ bắt đầu thoát nghèo, ổn định sinh kế, hướng đến mô hình sản xuất xanh, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên rừng.
Ông Rơ Ô Krik-Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Túc-kỳ vọng: “Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục được duy trì và mở rộng mô hình. Người dân cần được hỗ trợ thêm về giống, kỹ thuật, nhất là bò và dê sinh sản. Buôn Ma Giai còn khó khăn, đất đai hạn chế, phụ thuộc vào thời tiết nên chỉ khi có rừng, có mô hình sinh kế ổn định, bà con mới có thể yên tâm phát triển kinh tế”.
Mô hình phát triển chăn nuôi dưới tán rừng ở buôn Ma Giai là minh chứng rõ nét cho tư duy sản xuất gắn với bảo vệ tài nguyên. Không chỉ cải thiện đời sống, mô hình còn khơi dậy trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ rừng.