Bông hoa đẹp giữa cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong căn nhà nhỏ ở Q.Hà Đông (Hà Nội), có một người phụ nữ miệt mài làm việc. Chị bảo mình phải "chạy" cho kịp sản phẩm của Vụn Art. Tôi nghe chị nói, rồi tự hỏi mình xem người phụ nữ đang ngồi trên chiếc xe lăn kia lấy đâu ra sức khỏe để làm việc với cường độ mà đến một người bình thường như tôi cũng phải chào thua.

Chân dung chị Lê Thị Hà- Ảnh:VIỆT NGÔ
Chân dung chị Lê Thị Hà- Ảnh:VIỆT NGÔ


Người mà tôi muốn nói đến là chị Lê Thị Hà, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chấn thương cột sống Việt Nam.

Đã là quá khứ

Hoạt bát, vui vẻ nhưng ngại chia sẻ về mình. Đó là nhận xét của những người đã từng tiếp xúc với chị Lê Thị Hà. Thế nên cũng không mấy ai biết được rằng chị đã từng có một quá khứ đau đớn, nếu không muốn nói là "muốn chết đi cho nhẹ".

Mười tám năm trước, người phụ nữ trẻ có hai bằng đại học, một gia đình hạnh phúc, một đứa con thơ và một tương lai tươi sáng đang chờ ở phía trước bất ngờ bị tai nạn do sự bất cẩn của tài xế. Vụ tai nạn đó khiến cột sống chị bị tổn thương nặng.

Chị kể: "Tôi nhớ như in ngày 8.3.2003, ngày mà mọi phụ nữ đều vui thì lại là ngày buồn nhất cuộc đời tôi. Thời gian đầu sau khi bị tai nạn, tôi chỉ muốn chết đi cho xong, chứ sống mà đến ăn uống, vệ sinh cũng không thể tự mình làm được. Khổ nhất là mẹ. Nhưng dường như ông trời không cho tôi chết. Mỗi lần như vậy mẹ lại ở bên cạnh. Bà khóc bảo rằng người chết là hết nhưng người sống phải làm sao? Tôi nghĩ đến mẹ, đến con, và từ bỏ ý định trong đầu. Tôi phải sống, sống cho thật tốt".

Và rồi bằng ý chí, sự kiên trì tập luyện, sức khỏe của chị cũng hồi phục dần, dù đôi chân không còn hoạt động, quãng đời còn lại làm bạn với chiếc xe lăn.

Tôi hỏi chị: "Chị có còn hận kẻ gây ra tai nạn hay người đàn ông ruồng bỏ mình không?". Chị đáp nhẹ bâng: "Cũng thời gian đầu thôi, còn lâu rồi chả nhớ. Bây giờ tất cả… đã là quá khứ".

 

Chị Lê Thị Hà (bìa phải) tham vấn cho các bạn trẻ khuyết tật Trường đại học KHXH-NV Hà Nội
Chị Lê Thị Hà (bìa phải) tham vấn cho các bạn trẻ khuyết tật Trường đại học KHXH-NV Hà Nội


Bạn đồng hành với người khuyết tật

Năm 2018, CLB Chấn thương cột sống Việt Nam chính thức được thành lập. Bên cạnh công việc hằng ngày như bán vé máy bay, dạy thêm tiếng Anh... để đảm bảo cuộc sống và nuôi cậu con trai ăn học thì chị Lê Thị Hà, với vai trò Phó chủ nhiệm CLB, phải tìm cách kết nối, hỗ trợ thành viên.

Chị tâm sự: "Tôi cũng là người trong cuộc nên hiểu rõ được khó khăn mà người chấn thương cột sống gặp phải. Tôi chỉ chia sẻ lại kinh nghiệm của mình". Nghe chị nói tưởng chừng như đơn giản khi chỉ gói gọn trong vài mươi con chữ, nhưng tôi hiểu đằng sau là cả một núi công việc mà chị phải làm.

Những người khuyết tật, đặc biệt là người chấn thương cột sống, đa phần là do tai nạn nên thường có tâm lý nổi loạn hoặc buông xuôi. Chỉ có thể nói chuyện "từ từ", lấy chính bản thân mình làm ví dụ mới giúp họ thay đổi, có cái nhìn tích cực hơn. Chị tham vấn cho các bạn trẻ khuyết tật. Chị viết bài chia sẻ về cách dùng thuốc điều trị viêm loét, cách tập vật lý trị liệu… cho "người đến sau", mong họ có cuộc sống dễ chịu hơn.

Nhưng cái mà chị cho là khó nhất chính là chuyện "đi xin tiền". CLB có hơn 1.400 thành viên ở khắp ba miền đất nước, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, lại thường xuyên phải nằm viện. Đôi khi số tiền viện phí quá lớn, nằm ngoài khả năng chi trả, phải nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Nhưng muốn "xin" thì phải tìm hiểu xem đúng người đúng việc hay không? Số tiền là bao nhiêu? Liên hệ với ai giúp đỡ lúc này? Chị đều phải cân nhắc. Tôi từng hỏi chị sao không chia sẻ lên Facebook cho nhiều người biết? Chị bảo để khi cần. Sau này tôi mới hiểu là do chị ngại. Ngại khi đăng nhiều, mọi người sẽ nghĩ không hay bởi trong CLB đầy người cần giúp. "Để khi cần" là để những lúc quá ngặt nghèo, hết cách xoay xở. Như cái lần quỹ thuốc chống loét của CLB không còn, suy nghĩ mãi chị mới dám đăng bài lên "xin", mà đâu phải chị xin cho mình.

Bên cạnh đó, với vai trò marketing cho Vụn Art, một hợp tác xã của người khuyết tật làm các sản phẩm ghép từ lụa vụn, chị Hà lại mày mò học về marketing, về thương mại điện tử... nhiều khi đến khuya. Chị hồ hởi khoe với tôi, lô hàng đầu tiên của Vụn Art đã có mặt tại Mỹ, cũng đã lên Amazon và sắp tới là Esty. Tôi biết chị đang rất vui. Chị muốn người khuyết tật sống được bằng chính sức lao động của mình hơn là trông chờ vào sự thương hại của cộng đồng. Chị muốn những sản phẩm đậm nét văn hóa của Vụn Art được lan tỏa nhiều hơn. Đôi khi niềm vui của chị cũng chỉ đơn giản như vậy.

Lá rách đùm lá rách hơn

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của chị Hà gặp rất nhiều khó khăn. Công việc bán vé máy bay, nguồn thu nhập chính của chị hầu như không có. Chị xoay nhiều cách để tìm kế sinh nhai. Ấy vậy mà khi bão lũ miền Trung, chung tay đẩy lùi Covid-19, thành viên trong CLB trong viện cần mổ gấp..., chị vẫn âm thầm bỏ tiền túi ra góp một phần nhỏ. Số tiền đó không lớn nhưng với chị hẳn phải chắt chiu nhiều lắm.

Hôm tôi đề nghị viết bài, chị lại bảo: "Chị có gì đâu mà viết, còn rất nhiều người khác làm được những việc lớn và ý nghĩa hơn nhiều". Nhưng như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: "Mỗi người tốt, một việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta sẽ là một rừng hoa đẹp". Với tôi, chị Lê Thị Hà là một bông hoa đẹp ở giữa cuộc đời.


 

 

Theo Việt Ngô (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).