Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Chính sách nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người lao động tự do có thu nhập không ổn định hoặc thu nhập thấp khi tham gia BHXH tự nguyện về sau được hưởng lương hưu và nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.
Nhiều quyền lợi thiết thực
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật và tổ chức đối thoại trực tiếp về BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Qua đó, người dân hiểu sâu hơn các chính sách về bảo hiểm. Với cách làm này, những vướng mắc được tháo gỡ, người dân hiểu rõ quyền lợi thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó tự nguyện tham gia.
Ông Nguyễn Văn Tiền-Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) cho biết: Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng nhiều quyền lợi đó là: Khi có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên và đủ điều kiện về tuổi (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trong năm 2020; từ năm 2021 trở lên tăng thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ, nghĩa là tối đa 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ) sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT khám-chữa bệnh trọn đời, tăng lương hưu hàng năm theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh hỗ trợ tiền Tết (tùy theo đặc thù địa phương); khi qua đời, gia đình được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở khi người tham gia đóng BHXH từ đủ 5 năm trở lên và tuất một lần).
- Ông Nguyễn Văn Tiền- Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH Gia Lai) giải đáp thắc mắc về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Ông Nguyễn Văn Tiền-Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH Gia Lai) giải đáp thắc mắc về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Cùng với đó, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện. “Đối với hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo là 38.500 đồng/tháng và các đối tượng khác là 15.400 đồng/tháng. Theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, từ năm 2016 có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Cụ thể, mức đóng thấp nhất bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ  mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng, mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hình thức đóng BHXH tự nguyện có định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và đóng 1 lần không quá 5 năm. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng 1 lần để hưởng chế độ hưu trí. Để tham gia BHXH tự nguyện, người dân có thể đến các đại lý thu tại Bưu điện, UBND xã, phường, thị trấn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để đăng ký. Tại đây, nhân viên sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục, quy trình theo quy định”-ông Tiền thông tin thêm.
Đưa chính sách BHXH tự nguyện vào cuộc sống
Tham gia hội nghị đối thoại chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình do BHXH tỉnh phối hợp với UBND xã Tân Sơn (TP. Pleiku) tổ chức sáng 27-11, ông Anglê (làng Tiêng 1) cho hay: “Gia đình tôi làm nông, thu nhập hàng năm khoảng 30 triệu đồng. Gia đình tôi tham gia BHYT hộ gia đình và muốn tìm hiểu về BHXH tự nguyện. Qua hội nghị này, tôi được cán bộ giải thích rõ hơn về mức đóng phù hợp với thu nhập, từ đó sẽ nghiên cứu và có kế hoạch tham gia BHXH tự nguyện”.
Người dân xã Tân Sơn (TP. Pleiku) tham gia đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Như Nguyện
Người dân xã Tân Sơn (TP. Pleiku) tham gia đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Như Nguyện
Bà Đặng Thị Thanh Loan-Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 2 (xã Tân Sơn) chia sẻ mục đích tham gia hội nghị là tìm hiểu cụ thể về chính sách BHXH tự nguyện. Gia đình bà có 6 người đều tham gia BHYT hộ gia đình; 2 người tham gia BHXH bắt buộc, còn lại thì có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện.
“Tôi đến tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện rồi về vận động người thân tham gia. Nhiều người dân trong thôn cũng muốn tham dự hội nghị nhưng do bận thu hoạch vụ mùa nên không thể có mặt. Vì vậy, tôi ghi chép cụ thể để về phổ biến lại và vận động mọi người tham gia để được hưởng quyền lợi từ chính sách BHXH tự nguyện”-bà Loan nói.
Xã Tân Sơn có 1.448 hộ với gần 5.800 khẩu. Đến nay, 80% người dân trong xã tham gia BHYT và 10 người tham gia BHXH tự nguyện. Ông Lê Xuân Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã-nhấn mạnh: Tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT còn thấp so với tiềm năng và đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Thời gian tới, UBND xã phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường tuyên truyền giúp người dân thấy rõ lợi ích của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.