(GLO)- Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh ta là 17,23%, song hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 82,92% so với tổng số hộ nghèo và còn 90 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% thuộc 14 huyện. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Lê Văn Thái-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, nhận định: Cái chính là do ý thức của người nghèo không tự vươn lên thoát nghèo. Trước đây, với người dân địa phương không thiếu đất, nhưng vì trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, họ có đất nhưng rồi cứ bán dần đi tiêu xài nên mới thiếu đất. Bên cạnh đó, cách thức làm ăn, chi tiêu của người dân, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số không hợp lý nên dẫn đến nghèo.
Thu hoạch điều. Ảnh: Đức Thụy |
Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước ở một bộ phận hộ nghèo đã ăn sâu vào tiềm thức. Thời gian gần đây, sau khi tìm hiểu thực tế về công tác rà soát hộ nghèo hàng năm ở cơ sở cho thấy, nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo rồi thì không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có nhiều hộ nghèo sau khi thôn, làng rà soát, thấy mức thu nhập bình quân trên đầu người theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 là đã thoát nghèo, song lại có ý kiến xin “ở lại hộ nghèo”. Trao đổi với P.V, anh Phạm Văn Tú (thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông), phân bua: “Vợ chồng tôi làm nông, con cái ốm đau miết, dù hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập trên mức chuẩn nghèo nhưng so với mặt bằng chung ở đây thì vẫn còn nghèo. Nếu thoát khỏi danh sách hộ nghèo, con ốm đau không được Nhà nước hỗ trợ, hàng tháng không được cấp hỗ trợ tiền điện và còn nhiều khoản hỗ trợ khác đều bị cắt, như vậy gia đình tôi lại càng khó khăn hơn”.
Cũng bởi tư tưởng trông chờ ỷ lại mà đã xảy ra tình trạng không ít hộ nghèo đã không chịu kê khai đúng với thu nhập của gia đình. Về vấn đề này, ông Lê Quang Long-cán bộ phụ trách giảm nghèo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai, cho biết: Việc điều tra, khảo sát hộ nghèo hàng năm chỉ dựa vào mắt thường và tính thu nhập theo cách chung chung nên rất khó đánh giá chính xác giữa hộ nghèo hay cận nghèo.
Trong những năm qua, tỉnh ta thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, rà soát hộ nghèo. Qua những đợt kiểm tra, các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đều cho rằng, cần có cái nhìn tổng quát và phân tích, chỉ ra những nguyên nhân cụ thể của tình trạng này. Cụ thể: Nếu người dân nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kỹ năng canh tác, thiếu kiến thức, việc làm, nghèo do đông con, nghèo do lười lao động… thì sẽ có những giải pháp hỗ trợ riêng biệt, sát, đúng với từng đối tượng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ ở cơ sở gần dân để tìm ra được nguyên nhân, thực chất của vấn đề nghèo hiện nay.
Bà Trần Thị Hoài Thanh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đinh Yến |
Báo cáo đánh giá Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2011-2013 và định hướng đến năm 2015 đã phân tích rất rõ những đặc trưng của tình trạng nghèo. Trong đó, theo cách nhìn nhận của cán bộ làm công tác giảm nghèo Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thì các đặc trưng nghèo này nằm ở 9 nhóm đối tượng dẫn đến nghèo. Đơn cử như nghèo do thiếu đất sản xuất: thiếu là do có đất bán đi, thiếu do hộ nghèo sử dụng đất hiệu quả chưa cao, thiếu đất do tình trạng tách hộ… tùy vào từng điều kiện cụ thể mà tiếp tục hỗ trợ đất hoặc chuyển sang hỗ trợ bằng nhiều cách. Hoặc nghèo do thiếu kỹ năng canh tác, thiếu kiến thức trong việc phát triển kinh tế gia đình, thiếu lao động, bệnh tật, già yếu cô đơn…
Để hỗ trợ hộ nghèo sát thực tế hơn, thiết nghĩ việc phân loại đối tượng nghèo là cần thiết. Song, theo nhận định của cán bộ Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thì: Hiện nay, việc bình xét hộ nghèo tính theo thu nhập đang gây khó cho người làm công tác điều tra, khảo sát hộ nghèo. Thu nhập chỉ chênh nhau 1.000 đồng là đã ở hộ nghèo hoặc cận nghèo. Theo đó, ở khu vực nông thôn, thu nhập từ 400 ngàn đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo, từ 401 ngàn đồng/người/tháng trở lên là hộ cận nghèo; thành thị 500 ngàn đồng/người/tháng là hộ nghèo.
Đinh Yến