6 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ tháng 11/2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ tháng 11/2020, vị trí việc làm của viên chức sẽ có những sự thay đổi theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP.



Từ ngày 15/11/2020, Nghị định 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm viên chức sẽ có hiệu lực. Theo đó, vị trí việc làm viên chức sẽ có những điểm mới như sau.


Bổ sung tiêu chí phân loại vị trí việc làm viên chức

Phân loại theo khối lượng công việc gồm: Vị trí việc làm do một người đảm nhận, vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận, vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Phân loại theo tính chất, nội dung công việc gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập); Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.


 

 6 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ tháng 11/2020.
6 điểm mới về vị trí việc làm viên chức từ tháng 11/2020.


Thay đổi căn cứ xác định vị trí việc làm viên chức

Điều 4 Nghị định này quy định căn cứ xác định vị trí việc làm bao gồm:

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 4 cũng quy định thêm về căn cứ xác định số lượng người làm việc. Đây là nội dung được quy định mới hoàn toàn, cụ thể bao gồm:

Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập.

Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.

 

Điều chỉnh vị trí việc làm viên chức

Điều 8 Nghị định 106, việc điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trong các trường hợp dưới đây.

Đơn vị sự nghiệp công lập có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm, cụ thể: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Đổi mới căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp

Khoản 3 Điều 4 Nghị định này nêu rõ căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp bao gồm: Danh mục vị trí việc làm; Mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm; Tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.


Kéo dài thời hạn thẩm định Đề án vị trí việc làm viên chức

Điều 7 Nghị định 106 quy định, trong thời hạn 40 ngày (đối với hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt lần đầu), 25 ngày (đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định Đề án vị trí việc làm quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 106/2020/NĐ-CP phải hoàn thành việc thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định không đồng ý thì thông báo bằng văn bản cho đơn vị sự nghiệp công lập và nêu rõ lý do.

 

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt vị trí việc làm viên chức

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 106/2020/NĐ-CP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sau khi được Hội đồng quản lý thông qua. Đây là quy định mới hoàn toàn.

Ngoài ra, tại Điều 16 Nghị định 106/2020/NĐ-CP cũng quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, có thẩm quyền:

Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm và lập kế hoạch số lượng người làm việc.

Quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị; quyết định số lượng người làm việc của đơn vị, bảo đảm không được thấp hơn định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định đối với số lượng người làm việc của đơn vị, không làm tăng kinh phí chi đầu tư đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Thống kê, tổng hợp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của đơn vị, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.

Đồng thời, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập còn tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được quyền:

Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm; trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị.

Chỉ đạo lập kế hoạch số lượng người làm việc, kế hoạch điều chỉnh số lượng người làm việc hàng năm của đơn vị theo quy định tại Nghị định này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thống kê, tổng hợp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của đơn vị, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.


 

https://danviet.vn/6-diem-moi-ve-vi-tri-viec-lam-vien-chuc-tu-thang-11-2020-20200918150546124.htm

Theo PV (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.