Xây dựng nông thôn mới trên nền tảng công nghệ số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực. Việc từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2025. 

Những mô hình điểm đầu tiên

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Triển khai chương trình, tại nhiều địa phương cũng bắt đầu hòa nhịp, xây dựng kế hoạch và triển khai khá hiệu quả nhằm tiến đến mục tiêu nông thôn mới thông minh.

Đầu tiên phải kể đến mô hình thí điểm “Làng thông minh” ở xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông Nguyễn Hữu Tâm-Giám đốc Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng cho rằng: Mô hình làng thông minh là một lợi thế để người nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hạn chế dần sản xuất nông nghiệp bằng thủ công. Khi xây dựng làng thông minh, nông dân sẽ được hỗ trợ thêm thông tin sản xuất nông nghiệp đến tận vườn nhà. Xã viên có nhiều điều kiện tiến tới xây dựng mô hình HTX số.

Sản xuất hoa công nghệ cao theo hướng thông minh tại Trang trại Phong Phú, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Ảnh nguồn Báo Lâm Đồng
Sản xuất hoa công nghệ cao theo hướng thông minh tại Trang trại Phong Phú, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Ảnh nguồn Báo Lâm Đồng

Theo quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng làng thông minh của UBND tỉnh Bình Dương, xã Bạch Đằng sẽ được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tiếp theo xã sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để giúp đỡ người dân trong công tác quản lý, theo dõi chăm sóc vườn để nâng cao năng suất cây bưởi. Đến nay, đề án Làng thông minh ở xã Bạch Đằng đã triển khai nhiều công trình, hạng mục quan trọng như khởi công xây cầu Bạch Đằng 2; hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại cũng và 39 điểm camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng. Trong xã, 35 điểm phát sóng wifi công cộng được lắp đặt, hệ thống cây xanh ở 37 tuyến đường cũng tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Công tác vệ sinh môi trường thu gom và xử lý rác thải được thực hiện tốt.

Ở khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng là địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới mà huyện Đơn Dương là một minh chứng. Vinh dự được Chính phủ chọn làm mô hình điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025, trong 3 năm qua, huyện đã thực hiện hơn 17,6 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 26,2 tỷ đầu tư lắp đặt và vận hành các hệ thống thiết bị sản xuất tự động gồm: 90 hệ thống tưới thông minh; 46 hệ thống tưới chậm phân tự động; 2 hệ thống trồng rau thủy canh; 32 máy trộn thức ăn; 54 máy vắt sữa đôi; 7 trạm quan trắc thời tiết; 2 hệ thống quản lý vi khí hậu IoT trong nhà kính, nhà màng; 6 hệ thống trung hòa nước tưới; phân tích 200 mẫu đất, 100 mẫu nước; cấp 40 giấy chứng nhận VietGAP; xây dựng 12 kho lạnh, 2 nhà xưởng; 13 hệ thống máy sấy rau, củ, quả sau thu hoạch… Đồng thời, thành lập mới 12 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số 28 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực này. Huyện cũng đã triển khai hỗ trợ 11 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng tổng số chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm toàn huyện lên 36 chuỗi với các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, củ năng, sữa tươi, cà phê, cây dược liệu… Đến nay, toàn huyện đạt tỷ lệ 100% hộ chăn nuôi bò sữa được ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu ổn định; 30% sản lượng nông sản tiêu thụ thông qua liên kết hợp đồng…

Tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều mô hình, nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Đến tháng 9-2022, toàn tỉnh có 122/196 xã đạt chuẩn NTM; 1.459 khu dân cư NTM, trong đó có 21 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Một trong những bước đi đột phá của tỉnh Phú Thọ là xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng (app) “Agritech-chuỗi nông nghiệp số” dành cho thiết bị di động hoạt động qua website: http://phutho.idfood.net/ và được triển khai áp dụng cho 50 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng đem lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người sản xuất mà cả người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, công tác quản lý. 

Tương tự, tại huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), nhờ việc xây dựng chính quyền điện tử, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện ở mức khá. 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 99,53%. Người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.

Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 11/13 xã đạt chuẩn NTM, xã Tức Tranh đạt NTM nâng cao; toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao). Huyện Phú Lương đã cấp trên 100 sản phẩm có mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, HTX cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho người lao động và đưa sản phẩm nông sản ngày càng vươn xa. 

Hướng tới nông thôn mới thông minh

Bình Dương chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên). Ảnh: Trần Khánh/Dân Việt
Bình Dương chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên). Ảnh: Trần Khánh/Dân Việt

Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 924/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2025 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…) làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030…

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM nhằm triển khai kịp thời các nội dung, giải pháp của Chương trình, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình. Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

Để đạt được mục tiêu nói trên, Ban Chỉ đạo cũng đề ra một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM; thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế số, mô hình thúc đẩy phát triển xã hội số, cộng đồng số liên thông với chính quyền cơ sở; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các hướng dẫn liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng NTM. 

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng nghiên cứu và đề xuất ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030; lựa chọn, phê duyệt danh sách các mô hình thí điểm xã Nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử và hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình xã/thôn nông thôn mới thông minh…

PHƯƠNG VI(theo Báo Phú Thọ, Lâm Đồng, Vietnamnet, Dân Việt, Viettimes)

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.