Vượt qua nỗi đau da cam để cống hiến cho xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn còn nhức nhối đối với nhiều người. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực mạnh mẽ, không ít người đã nỗ lực vươn lên cống hiến cho xã hội.


Vượt qua nỗi đau


Trong khoảnh sân nhỏ trước nhà, bà Trần Thị Bì (74 tuổi, trú tại thôn 2, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đang vỗ về người con trai năm nay đã 42 tuổi. Bà chia sẻ: Con trai bà bị di chứng chất độc da cam (CĐDC). Vừa sinh ra vài tháng, anh đã bị teo cơ, chậm phát triển trí tuệ. “Tôi đau lòng vô cùng khi thấy con mình không lành lặn, không có được cuộc sống bình thường như mọi người. Nhưng chính từ nỗi đau ấy, tôi càng phải cố gắng vươn lên. Nếu cứ than phiền mãi sẽ làm cho tinh thần mình suy sụp, dần dần sức sống và tâm hồn con người bị xói mòn bởi sự bất hạnh. Mình phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn như những ngày được tôi luyện nơi chiến trường lửa đạn”-bà Bì tâm sự.

Bà Trần Thị Bì chăm sóc cậu con trai 42 tuổi bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Trần Dung
Bà Trần Thị Bì chăm sóc cậu con trai 42 tuổi bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Trần Dung

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, bà Bì luôn tự hào đã có một thời cống hiến sức trẻ cho đất nước. Sau ngày giải phóng, bà lập gia đình rồi sinh được 4 người con. Nhưng nghiệt ngã thay, 2 trong 4 người con của bà bị di chứng của CĐDC. Bà kể: “Lúc ấy, tôi không hề nghĩ rằng mình đã nhiễm CĐDC từ chiến trường. Đến khi thấy các con không lành lặn, bản thân thường xuyên đau yếu, thần kinh suy giảm, tôi mới vỡ lẽ. Rồi chồng mất sớm khi các con còn quá nhỏ, tôi một mình cáng đáng suốt gần 50 năm nay”. Bằng nghị lực sống mạnh mẽ, bà Bì đã cùng các con vượt lên nỗi đau và có nhiều cống hiến cho địa phương. Từ năm 1976 đến năm 2003, bà đảm đương nhiều chức vụ khác nhau tại xã Ia Blang như: Trạm trưởng Trạm Y tế xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã…

Vừa hoạt động xã hội, vừa chăm con tật nguyền nhưng bà Bì vẫn là tấm gương nuôi dạy các con trưởng thành và có ích cho xã hội. Bà tâm sự: “Nỗi đau nào cũng có giới hạn, nếu chỉ nhìn vào đó sẽ khiến người ta rơi vào bi quan. Cuộc sống sẽ không phụ lòng người nếu chúng ta biết nỗ lực vươn lên, biết cống hiến cho xã hội”.

Chung tay giúp những người cùng cảnh ngộ

Ông Hoàng Anh Bắc-Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Chư Sê-cho biết, năm 1972, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau những năm tham gia chiến đấu khắp các chiến trường miền Trung, ông trở về cuộc sống đời thường và phát hiện mình nhiễm CĐDC. Vì mang trong mình di chứng của chất độc hóa học nên sức khỏe của ông suy giảm. Ông Bắc bộc bạch: “Nhận thấy những thiệt thòi của biết bao thế hệ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của CĐDC, tôi luôn canh cánh trong lòng phải làm gì để cùng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau này. Sau khi về hưu, năm 2017, tôi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn và kiêm luôn vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn”.

Ông Hoàng Anh Bắc luôn tận tụy với công việc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Chư Sê. Ảnh: Trần Dung
Ông Hoàng Anh Bắc luôn tận tụy với công việc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Chư Sê. Ảnh: Trần Dung

Ông Bắc “da cam” là tên thân mật mà mọi người vẫn thường gọi ông. Là người phải gánh chịu nỗi đau da cam, ông luôn đồng cảm, chia sẻ và hết lòng giúp đỡ những đồng đội cùng cảnh ngộ. Ông cùng Ban Chấp hành Hội rà soát, nắm rõ hoàn cảnh của 243 hội viên, tích cực vận động đóng góp quỹ để có nguồn lực hỗ trợ những trường hợp khó khăn phát triển kinh tế; tặng sổ tiết kiệm, thăm, tặng quà cho hội viên dịp lễ, Tết… Từ năm 2017 đến 2020, ông Bắc đã cùng Ban Chấp hành Hội vận động được 135 triệu đồng vào quỹ và gần 45 triệu đồng để chăm sóc nạn nhân da cam. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Chư Sê luôn là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn huyện trong công tác chăm sóc, vận động, ủng hộ nạn nhân CĐDC trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, hàng năm, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Chư Sê còn nhận nuôi 2 trường hợp trẻ em là nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 400 ngàn đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (tổ 6, thị trấn Chư Sê) vô cùng xúc động khi được ông Bắc và Hội quan tâm hỗ trợ gia đình. 2 con trai của chị là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3. “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khi chỉ dựa vào nguồn thu từ việc đi làm thuê của 2 vợ chồng. Khi nhận được sự quan tâm này, chúng tôi rất cảm kích và có thêm động lực để cố gắng”-chị Phượng chia sẻ.

Nói về những tấm gương vượt qua nỗi đau da cam để cống hiến cho xã hội như bà Bì, ông Bắc…, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Chư Sê Phan Thị Thung nhận xét: “Họ là những tấm gương không đầu hàng số phận. Dù mang trong mình di chứng da cam và cả nỗi đau tinh thần chồng chất, họ vẫn năng động, tâm huyết để trở thành cán bộ hội nhiệt tình, trách nhiệm, quan tâm sâu sát đến hội viên. Với những nỗ lực của mình, họ đã được các cấp Hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen”.

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý thăm, tặng quà các gia đình chính sách

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý thăm, tặng quà các gia đình chính sách

(GLO)- Chiều 8-7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), ông Đinh Ngọc Quý-Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã đến thăm, tặng quà 10 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trên địa bàn phường Hội Phú.

Cán bộ, công chức cấp xã nhanh chóng thích ứng mô hình chính quyền mới

Cán bộ, công chức cấp xã thích ứng nhanh với mô hình chính quyền mới

(GLO) - Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng thích ứng với mô hình chính quyền mới. Với tinh thần trách nhiệm, tận tụy, họ góp phần đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Chung tay chăm lo sức khỏe và tiếp sức học trò vùng biên

Chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên

(GLO)- Sáng 6-7, tại xã Ia Pnôn (tỉnh Gia Lai), Đồn Biên phòng Ia Pnôn phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân và trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vùng biên. 

Thủ lĩnh của làng

Thủ lĩnh của làng

(GLO)- Là người gốc Campuchia nhưng dưới họa diệt chủng của bọn Pol Pot, năm 1978, Rơ Mah Blơi đã cùng gia đình sang Việt Nam lánh nạn. Gần 50 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất này, cùng chung tay vun đắp mối quan hệ đoàn kết hai bên biên giới.

null