Vươn lên từ chương trình “Tiếp sức nhà nông”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất, hàng năm, chương trình “Tiếp sức nhà nông” còn trao thưởng cho học sinh, sinh viên là con hội viên nông dân tham gia chương trình đạt thành tích tốt trong học tập.

Hoạt động ý nghĩa này đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân và con em họ có thêm động lực vươn lên trong học tập, xây dựng tương lai.

Chương trình “Tiếp sức nhà nông” do Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Đoàn và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức. Năm 2023, chương trình hỗ trợ cho 80 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại 4 xã: Ia Tiêm, Hbông, Ia Pal, Ia Blang (huyện Chư Sê) vay hơn 1,84 tỷ đồng không lãi suất để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Ngày 6-10, chương trình trao 44 suất học bổng với tổng trị giá 53,5 triệu đồng cho 44 học sinh, sinh viên là con của hội viên nông dân tham gia chương trình đạt thành tích tốt trong năm học 2023-2024.

12-610.jpg
Đại diện Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên. Ảnh: P.D

Em Rơ Mah Vú (lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Khuyến, thị trấn Chư Sê) không giấu được niềm vui khi nhận phần thưởng 1 triệu đồng từ chương trình. Em chia sẻ: “Đây là phần thưởng lớn nhất từ trước tới nay mà em được nhận. Em cảm ơn chương trình và hứa sẽ cố gắng trong năm học này để đạt kết quả tốt nhất”.

Chung niềm vui cùng con trai út, anh Siu Dơn (thôn Blo Hưng, xã Ia Blang) cho hay: “Nguồn vốn vay từ chương trình không phải trả lãi suất hỗ trợ rất nhiều cho gia đình. Chương trình còn quan tâm đến kết quả học tập của con em hội viên. Con mình có tên trong danh sách trao thưởng nên vui lắm, cả đêm không ngủ được”.

Gia đình anh Dơn có 4,5 sào đất trồng cây cà phê. Cuối năm 2024, vườn cà phê mới cho thu hoạch bói. Để có tiền đầu tư vườn cây cũng như trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học, vợ chồng anh phải đi làm thuê khắp nơi.

“Năm 2022, mình tích góp rồi vay mượn thêm mua được 1 con bò. Năm 2023, mình vay vốn từ chương trình 20 triệu đồng để mua thêm 1 con bò sinh sản. Mình tận dụng phân bò, mua thêm vỏ cà phê về ủ để bón cho cây trồng. Cuối năm nay, mình thu cà phê, có tiền sẽ hoàn trả vốn để chuyển hỗ trợ sang cho hộ khác”-anh Dơn nói.

anh-don-dan-do-con-trai-ro-mah-vu-no-luc-hon-nua-trong-hoc-tap-de-xung-dang-voi-phan-thuong-da-duoc-nhan-6263.jpg
Anh Dơn dặn dò con trai Rơ Mah Vú nỗ lực hơn nữa trong học tập để xứng đáng với phần thưởng đã được nhận. Ảnh: P.D

Ký nhận 3 triệu đồng tiền học bổng thay con trai Vũ Văn Thắng, chị Đặng Thị Ngọc (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm) bộc bạch: “Cháu học năm nhất Trường Đại học Luật (Đại học Huế). Mấy hôm trước, gia đình gọi điện thoại thông báo để cháu sắp xếp thời gian về nhận học bổng. Cháu rất phấn khởi, cũng muốn về nhưng không sắp xếp được lịch học, lịch tham gia các câu lạc bộ nên nhờ mẹ nhận thay. Có được số tiền này, gia đình đỡ đi một phần chi phí ăn học của con”.

Theo ông Đào Văn Đoài-đại diện Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, chương trình “Tiếp sức nhà nông” ra đời với mong muốn đồng hành, hỗ trợ và tiếp thêm nguồn lực cho bà con nông dân trên con đường phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh cung cấp tài chính, chương trình còn tập trung chia sẻ kiến thức, giúp nông dân áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả. Từ năm 2010 đến 2023, chương trình đã hỗ trợ vốn vay và sinh kế cho trên 2.600 hộ nông dân tại 24 tỉnh, thành trên cả nước; trao 4.119 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên là con của hộ nông dân tham gia chương trình. Năm 2024, chương trình trao thưởng cho 200 học sinh, sinh viên có thành tích học tập khá, giỏi tại 4 tỉnh: Gia Lai, Quảng Trị, Hòa Bình, Đồng Nai.

“Mỗi suất học bổng không chỉ là món quà ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn mà chương trình muốn gửi đến các em, động viên các em vững tin hơn nữa trên con đường học tập, tiếp tục gặt hái những thành công”-ông Đoài chia sẻ.

Khẳng định ý nghĩa của chương trình “Tiếp sức nhà nông” và trao thưởng cho học sinh, sinh viên là con của hội viên nông dân tham gia chương trình, ông Y Khâm-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-nhấn mạnh: “Đây là hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Sự hỗ trợ từ chương trình giúp hội viên nông dân thụ hưởng đầu tư phát triển chăn nuôi, hướng đến xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững, thêm kinh phí để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Chương trình cũng tiếp thêm động lực, giúp con em hội viên nông dân cố gắng đạt thành tích tốt trong học tập. Hy vọng, chương trình tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ để nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.