Vụ sập cầu Phong Châu: Xác định có 8 phương tiện gặp nạn và nguyên nhân ban đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tập trung mọi phương tiện để tìm kiếm người bị nạn trong vụ sập cầu Phong Châu.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo công tác cứu nạn (Nguồn: TTXVN phát)

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo công tác cứu nạn (Nguồn: TTXVN phát)

Chiều ngày 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ.

Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tại thời điểm xảy ra sự cố có 8 phương tiện gặp nạn (trong đó: 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện); đã cứu, đưa 05 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Cũng theo báo cáo của tỉnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng đạt +27,25 m (trên báo động III: 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ 02 phút ngày 09/9/2024, cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 02 huyện Tam Nông, Lâm Thao-tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 02 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, dùng mọi phương tiện để tìm kiếm người bị nạn, nhưng phải đảm bảo an toàn. Nếu thiếu phương tiện cứu hộ, tỉnh đề xuất với với Thủ tướng Chính phủ cấp để phương tiện cứu hộ kịp thời.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương đặt biển báo, ngăn chặn đường không cho người và phương tiện khu vực cầu; tiến hành phân luồng xe để các phương tiện di chuyển theo hướng khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm việc với lãnh đạo Tỉnh Phú Thọ chiều 9/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm việc với lãnh đạo Tỉnh Phú Thọ chiều 9/9/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần kịp thời hỏi thăm, động viên và hỗ trợ gia đình người bị nạn. Các ngành chức năng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tỉnh có biện pháp di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn.

Trong khi chờ sửa chữa cầu, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội cùng các ngành chức năng làm cầu phao bắc qua sông để thuận lợi cho người dân đi lại; đồng thời tỉnh cũng khẩn trương lập phương án, trình Thủ tướng để nhanh chóng sửa chữa cầu.

Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, sáng 9/9. Một trụ và hai nhịp của cây cầu đã bị nước lũ cuốn. (Ảnh: Tạ Toàn/ TTXVN)

Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, sáng 9/9. Một trụ và hai nhịp của cây cầu đã bị nước lũ cuốn. (Ảnh: Tạ Toàn/ TTXVN)

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích.

Tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 và các lực lượng chức năng tích cực, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.

Trước vụ việc này, ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

Theo Đào An (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm