Vỡ òa niềm vui ngày khỏi bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của tỉnh Gia Lai được xuất viện sau 23 ngày cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa. Đây không chỉ là niềm vui của người bệnh mà còn là niềm tự hào của tập thể y-bác sĩ.
Bác sĩ Phan Đình Đông-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa trao quyết định hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho bệnh nhân 1696. Ảnh: Vũ Chi
Bác sĩ Phan Đình Đông-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa trao quyết định hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho bệnh nhân 1696. Ảnh: Vũ Chi
Ngày 21-2, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa như vui hơn mọi ngày bởi bệnh nhân 1696 (SN 1982, trú tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) được xuất viện. Trước đó, bệnh nhân về quê tại Hải Dương dự đám cưới. Sau khi trở lại Gia Lai, thực hiện khai báo y tế, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế thị xã ngày 29-1, bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ngay trong sáng 21-2, bác sĩ Phan Đình Đông-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đã trao quyết định của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 thị xã về việc hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung và giấy ra viện cho bệnh nhân này. Ngay sau khi trao quyết định, Trung tâm Y tế thị xã đã bố trí phương tiện đưa bệnh nhân về nhà, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương giám sát, theo dõi bệnh nhân trong thời gian tiếp theo.
Cầm quyết định trên tay, niềm vui ánh lên trong đôi mắt bệnh nhân 1696. Chị T. cho biết: Khi biết mình bị nhiễm SARS-CoV-2, chị rất sốc và lo lắng. Các bác sĩ và nhân viên y tế đã điều trị và chăm sóc rất tận tình, không ngừng động viên chị tin tưởng vào phác đồ điều trị. Khi được bác sĩ thông báo đã hoàn thành thời gian cách ly, được xuất viện về nhà, chị rất xúc động.
“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới toàn thể cán bộ, y-bác sĩ, các cấp, các ngành đã quan tâm, điều trị cho tôi trong suốt thời gian qua. Hy vọng tất cả các bệnh nhân còn lại cũng sẽ được xuất viện trong thời gian sớm nhất”-chị T. nghẹn ngào.
Bệnh nhân 1696 ra viện không chỉ là niềm vui của cá nhân người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của tất cả lực lượng tham gia phòng-chống dịch trong suốt thời gian qua, đặc biệt là đội ngũ y-bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa. Túc trực tại khu cách ly điều trị bệnh nhân của Trung tâm Y tế thị xã có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng và 2 hộ lý. Từ ngày 30-1 đến nay, toàn bộ y-bác sĩ, nhân viên tại đây chưa được về thăm nhà. Song mọi khó khăn, gian khổ của họ đã mang lại thành quả xứng đáng.
Bệnh nhân 1696 lên xe trở về địa phương thực hiện cách ly tại nhà. Ảnh: Vũ Chi
Bệnh nhân 1696 lên xe trở về địa phương thực hiện cách ly tại nhà. Ảnh: Vũ Chi
Đối với các hộ lý trực tiếp làm nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh trong khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, những ngày qua thật dài và nhiều nỗi niềm. Chị Ka Nông H’Jrêm chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ với nhiều lớp, kín mít từ đầu đến chân rất khó chịu. Nhưng vì làm việc trong môi trường có tính chất nguy hiểm cao nên chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng-chống dịch để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và người bệnh”.
Bác sĩ Trần Văn Hưng-người trực tiếp điều trị bệnh nhân 1696-cho biết: Thời kỳ cao điểm, khu cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã tiếp nhận 22 bệnh nhân. Trước áp lực công việc, đội ngũ y-bác sĩ luôn động viên nhau coi đây là một trận chiến và cố gắng chiến thắng. Các ca bệnh hầu hết đều trẻ, không có bệnh nền, triệu chứng nhẹ nên việc điều trị diễn ra thuận lợi.
Khi Bệnh viện dã chiến của tỉnh được thành lập, phần lớn các bệnh nhân đều được chuyển lên tuyến trên để thuận lợi cho công tác điều trị. Sau khi bệnh nhân 1696 xuất viện, khu cách ly điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thị xã chỉ còn 1 bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân này vẫn ổn định, hy vọng sẽ sớm được trở về với gia đình.
“Động lực của chúng tôi những ngày qua chính là sức khỏe bệnh nhân được cải thiện từng ngày, các xét nghiệm cho kết quả âm tính. Thêm vào đó là sự hỗ trợ, động viên của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 thị xã, các cơ quan, đơn vị và người dân. Niềm vui xuất viện của bệnh nhân ngày hôm nay chính là niềm hạnh phúc của tất cả lực lượng tham gia phòng-chống dịch”-bác sĩ Hưng tâm sự.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.