Viện Chiến lược và Chính sách y tế khảo sát công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-7, đoàn công tác Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) có buổi làm việc với Sở Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình số 60-Ctr/TU; đồng thời chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và chỉ đạo các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, ở cấp xã thành lập Ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình có quy chế hoạt động và kiện toàn kịp thời.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện


Báo cáo tại buổi làm việc, theo Sở Y tế, tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 ở Gia Lai là 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt mục tiêu chương trình đề ra. Toàn tỉnh hiện có trên 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được nhận thông tin và có những hiểu biết nhất định về các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, tổ chức tuyên truyền sâu rộng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, làng… Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã phối hợp với 17 trung tâm y tế và các trường THPT, THCS tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, lồng ghép nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới trong các trường học thông qua hoạt động ngoại khóa.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được chú trọng nâng cao; mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì tại các địa bàn của 17 huyện, thị xã, thành phố, các hoạt động truyền thông tư vấn về khám sức khỏe tiền hôn nhân được tổ chức theo định kỳ và thường xuyên tại các trung tâm y tế và trạm y tế; duy trì các mô hình nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người tại 42 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện được kỹ thuật đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai, khám điều trị phụ khoa, đỡ đẻ thường; các trạm y tế phường, thị trấn đều đảm bảo sự có mặt thường xuyên của bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% tổ dân phố, thôn, làng có cộng tác viên dân số. Hiện toàn tỉnh có 2.592 cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình; trong đó có 1.563 cộng tác viên kiêm nhiệm y tế thôn bản, 1.029 cộng tác viên kiêm nhiệm các chức danh khác. Giai đoạn 2017-2021, tổng kinh phí đầu tư cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình tại các đơn vị địa phương và cơ sở là 19,738 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương hỗ trợ 7,684 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 12,054 tỷ đồng.

Nhìn chung, các mô hình dự án liên quan đến nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai đạt kết quả tốt; quy mô gia đình từ 1 đến 2 con đã và đang là chuẩn mực của cộng đồng xã hội, chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh được tăng lên cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao tuổi thọ bình quân, từng bước giảm hộ nghèo, các dịch vụ y tế giáo dục được cải thiện, mức sống và trình độ dân trí trong cộng đồng ngày càng được nâng lên. Sự phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư của nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Tại buổi làm việc, các thành viên đã thảo luận về những hạn chế, tồn tại, khó khăn trong vấn đề thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng như đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Dịp này, Sở Y tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2021-2030 với trọng tâm để nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, các hoạt động định hướng về dân số và phát triển. Đế xuất hỗ trợ kinh phí cho công tác truyền thông dân số sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng mức phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên y tế; ưu tiên phê duyệt các chương trình, dự án, đầu tư ngân sách, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động liên quan đến chất lượng dân số và phân bố dân cư của tỉnh Gia Lai; đồng thời tiếp tục hỗ trợ và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình.

Qua buổi làm việc, đoàn công tác Viện Chiến lược và Chính sách y tế đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, đồng thời ghi nhận những kiến nghị đề xuất của tỉnh. Ngoài làm việc với Sở Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai, đoàn công tác sẽ tiếp tục làm việc với một số ban, ngành liên quan và tiến hành khảo sát thực tế tại huyện Chư Prông và Ia Pa, qua đó thu thập các số liệu về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Hoạt động này sẽ giúp đoàn công tác nắm bắt được thực trạng triển khai công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình tại địa phương và cung cấp số liệu cho Ban cán sự Đảng bộ Y tế xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, từ đó kiến nghị chiến lược can thiệp phù hợp với tình hình thực tế và tiến tới triển khai các hoạt động can thiệp một cách khả thi và hiệu quả cho địa phương trong thời gian tới.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

(GLO)- Tiếp tục chuyến công tác tại Vương quốc Campuchia, sáng 10-4, Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai do đồng chí Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear nhân dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

(GLO)- Hiện nay, nhiều giếng đào và giếng khoan tại một số thôn, làng trong tỉnh Gia Lai bắt đầu cạn khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Gia Lai: Công bố 6 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Dân số-Sức khỏe sinh sản và Trẻ em

Gia Lai: Công bố 6 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Dân số-Sức khỏe sinh sản và Trẻ em

(GLO)- Ngày 8-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 6 thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Dân số-Sức khỏe sinh sản và Trẻ em thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.