Từ vụ hỏa hoạn ở Hà Nội: Không quyết liệt xử lý sẽ còn cháy, còn chết người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Từ vụ hỏa hoạn vừa xảy ra chiều 16/6 ở Hà Nội, đại biểu Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần phải quyết liệt tìm giải pháp xử lý, nếu không nguy cơ cháy gây chết người sẽ còn xảy ra.
Phần lớn vụ cháy ở Hà Nội tập trung tại các khu đông đúc dân cư, không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phần lớn vụ cháy ở Hà Nội tập trung tại các khu đông đúc dân cư, không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mặc dù đã có nhiều cuộc tổng rà soát cũng như quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, địa phương, song từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm chết nhiều người.

Mới đây nhất, vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 16/6, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) khiến 4 người trong một gia đình tử vong.

Trước thực trạng nhức nhối trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng đã đến lúc thành phố Hà Nội cần phải quyết liệt tìm giải pháp xử lý, quy rõ trách nhiệm, nếu không nguy cơ cháy gây chết người sẽ còn xảy ra.

Cần nâng cao ý thức của người dân

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hành lang Quốc hội ngày 17/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Mỗi lần nghe tin có vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội, tôi đều rất đau buồn bởi hậu quả của đa phần vụ cháy không chỉ thiệt hại lớn về tài sản mà còn thiệt hại về con người.”

Điều mà đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trăn trở nhất là Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ cháy khiến rất nhiều người thiệt mạng. Như vụ cháy xảy ra tại quận Thanh Xuân trong năm 2023 khiến 56 người chết; hay vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 24/5/2024 tại quận Cầu Giấy khiến 14 người tử vong.

Và mới đây là vụ cháy xảy ra vào chiều 16/6, khiến người trong một gia đình ở phường Định Công (quận Hoàng Mai) tử vong. “Vụ cháy này xảy ra trong lúc Hà Nội đang nỗ lực rà soát đối với các loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp kinh doanh, cũng như có phương án khắc phục. Đây là điều hết sức đau lòng,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Để ngăn giảm thiểu nguy cơ cháy gây chết người, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc đầu tiên là cần phải tìm ra được nguyên nhân.

Theo đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, hầu hết các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua đều tập trung tại các khu vực không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nên khi lửa bùng phát đã không thể dập kịp thời. Thực tế này khiến đám cháy ngày càng to và từ đó dẫn tới hậu quả chết người.

Nguyên nhân thứ 2, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là do chính ý thức của con người. Thực tế cho thấy trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, nhiều người dân sinh sống tại các khu phố cũng chưa có ý thức về việc phòng cháy, chữa cháy.

“Dù chúng ta có bao nhiêu quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng người dân, tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm thì cháy vẫn cứ xảy ra,” nữ đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh trong tổng thể các giải pháp thì nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc rà soát về mặt thể chế để các quy định đảm bảo hợp lý, cũng cần phải nâng cao ý thức của con người.

Phải xem xét trách nhiệm rõ ràng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho biết tới đây Quốc hội sẽ bàn thảo về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã đề xuất sẽ cắt điện, cắt nước đối với những công trình xây dựng không phép.

“Theo tôi đề xuất trên là hoàn toàn có lý, tuy nhiên việc này cũng cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá tác động. Lý do bởi trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều cơ sở từ nhà dân đến nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy nếu đồng loạt áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước trên diện rộng sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng lưu ý trong trường hợp cháy nổ là do cơ sở sản xuất, nhà dân không đảm bảo về điều kiện phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát hiểm, lối thoát nạn, thì cần phải xem xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý.

“Tôi nói điều này vì các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đều đã giao cho chính quyền địa phương thực hiện từ khâu cấp phép đến thẩm định các điều kiện. Vấn đề đặt ra là vậy trong quá trình quản lý xây dựng cũng như cấp phép thì chính quyền đã cấp phép thế nào, thẩm định ra sao. Tại sao các cơ sở, công trình nhà ở, nhà cho thuê không đảm bảo an toàn vẫn được phép hoạt động như vậy,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi và nhấn mạnh đó là do chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý.

Dẫn chứng cụ thể từ vụ cháy “chung cư mini” xảy ra ở quận Thanh Xuân khiến 56 người chết trong năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh việc để công trình xây dựng sai phép này hoạt động là có trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm đã đến lúc cần phải áp dụng biện pháp quy trách nhiệm cụ thể cũng như xử lý trách nhiệm rốt ráo.

"Nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý cũng như rà soát thẩm định, chỉ tập trung hô hào khẩu hiệu thì cháy và chết người vẫn sẽ xảy ra,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

“Con nuôi Công an xã”: Lan tỏa yêu thương

“Con nuôi Công an xã”: Lan tỏa yêu thương

(GLO)- Thời gian gần đây, Công an xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã thực hiện hiệu quả mô hình “Con nuôi Công an xã”. Từ mô hình này, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được lực lượng Công an giúp đỡ trong học tập và cuộc sống, góp phần lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.
Trưởng thôn Rơ Châm Ó đi đầu trong phát triển kinh tế ở làng Bồ

Ông Rơ Châm Ó: Gương sáng làng Bồ

(GLO)-Gương mẫu, uy tín, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới và đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa là nhận xét của bà con làng Bồ (Ia Yok, huyện Ia Grai) khi nhắc đến Trưởng thôn Rơ Châm Ó.
Tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế lên VNeID

Tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế lên VNeID

(GLO)- TTXVN cho biết, từ ngày 1-7 tới, tài khoản định danh điện tử VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có việc tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế lên VNeID.
.

Khởi sắc nông thôn mới ở thôn Bối

Khởi sắc nông thôn mới ở thôn Bối

(GLO)- Nhờ những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thôn Bối (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.