Từ 1-1-2019: Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Luật An ninh mạng (ANM) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Với 7 chương, 43 điều, luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật ANM khi có hiệu lực kỳ vọng sẽ xử lý triệt để tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu độc, cùng với những tin tức giả mạo, những phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật An ninh mạng vào ngày 12-6-2018 Ảnh: TTXVN+
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật An ninh mạng vào ngày 12-6-2018 Ảnh: TTXVN+
Các hành vi bị cấm
Điều 8 Luật ANM quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Thứ nhất, sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thứ hai, thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thứ ba, sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Thứ tư, chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Thứ năm, lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Thứ sáu, hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.
Cùng với đó, Điều 16 của luật cũng quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đây là những nội dung thông tin không được đăng tải, phát tán trên không gian mạng.
Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp trên không gian mạng, Điều 26 của luật nêu rõ: Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ các thông tin có nội dung vi phạm. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam.
Không cản trở quyền riêng tư, hoạt động kinh tế
Đó là điều mà nhiều người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm từ khi Luật ANM còn chưa được Quốc hội bấm nút thông qua. Hầu hết những người kinh doanh online cho rằng, khi Luật ANM có hiệu lực, họ sẽ bị kiểm soát thông tin một cách triệt để. Cụ thể, tất cả tin nhắn, lịch sử tìm kiếm, lịch sử mua hàng… của người dùng Internet đều sẽ bị “phơi bày” trước Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Ngọc Duy, CEO Mắt Bão, cho rằng với mục đích tăng cường ANM, việc thu thập thông tin là cần thiết dù nó có thể gây khó chịu cho người dùng. Thực tế ở thời điểm khi Luật ANM chưa được ban hành thì thông tin của người dùng cũng đang bị thu thập vô tội vạ, dù họ có đồng ý hay không. Để kiểm chứng, bạn có thể vào Google gõ tìm cụm từ “mua data khách hàng”, hệ thống sẽ ngay lập tức trả về hàng trăm kết quả và chỉ cần một khoản chi phí nhỏ, bạn đã có trong tay tệp data như ý với đầy đủ thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hay thậm chí là thu nhập…
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Duy, các “nhóm chống đối” cho rằng Việt Nam dù có ban hành Luật ANM cũng không thể giúp môi trường kinh doanh trong nước khởi sắc hơn; ngược lại còn làm giảm nguồn đầu tư nước ngoài, gây khó khăn trong việc thu hút nhân lực và cản trở các doanh nghiệp làm cách mạng công nghệ (quy định tại Điều 26 luật này - PV). Nhưng trên thực tế, 18 quốc gia thông qua quy định về quyền lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như Mỹ, Canada hay Trung Quốc đều không vì thế mà bị cô lập. Ngược lại, các điều khoản trong Luật ANM góp phần tạo ra môi trường kinh doanh công bằng hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước so với công ty nước ngoài.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp khi nêu quan điểm về Luật ANM cũng bác bỏ thông tin “có nghi ngại các công ty nước ngoài có rời bỏ Việt Nam vì Luật ANM?”. Cụ thể khoản 3 Điều 26 luật này sẽ dẫn tới 2 tình huống: Một là các công ty này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam; hai là sao chép dữ liệu thô từ trung tâm dữ liệu của họ sang các máy chủ thuê mướn ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc gia nhập hay rút lui khỏi thị trường nào đó phụ thuộc rất nhiều vào tiềm năng phát triển của thị trường đó chứ không chỉ đơn thuần dựa vào một đạo luật. Hãy nhìn lại quá trình đeo bám thị trường Trung Quốc của Google hay Facebook, bạn sẽ có được câu trả lời.
Gia Quảng (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.