VKSND tỉnh Gia Lai vừa truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai và 8 bị can liên quan.
9 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Sở Y tế tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 4 năm 2013 |
Đây là kết quả mới sau khi vụ án đã được TAND tối cao hủy cả 2 bản án, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, truy tố lại nhằm đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và tính nghiêm minh của pháp luật.
Cụ thể, VKSND truy tố tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Phùng Xuân Quýnh (nguyên GĐ Sở Y tế Gia Lai).
8 bị can khác, gồm: ông Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu (nguyên PGĐ Sở Y tế), ông Đoàn Cường (nguyên Phó phòng nghiệp vụ Dược), ông Phan Minh Hiếu (nguyên Phó phòng nghiệp vụ Y), ông Rơ mah Plih (nguyên Trường phòng kế hoạch – tài vụ), ông Bùi Ngọc Thư (nguyên Phó phòng kế hoạch – tài vụ), ông Lê Khánh Lân (nguyên cán bộ phòng Kế hoạch tài vụ) và bà Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên chuyên viên Phòng nghiệp vụ Dược) bị truy tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những bị can trong Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế qua các năm.
Trước đó, vào năm 2013 vụ án trên đã được đưa ra xét xử đối với 9 bị can trên.
Theo cáo trạng thời điểm đó, từ năm 2008 đến 2010, trong quá trình đấu thầu và xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thầu, tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai đã biến nhiều cơ số thuốc có nguồn gốc trong nước thành ngoài nước, có dấu hiệu thông đồng với nhà thầu, xét thầu không đúng với hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được duyệt, xét thầu sai 16 mặt hàng thuốc, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 8,59 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Phùng Xuân Quýnh 18 tháng tù, Lê Khánh Lân 24 tháng tù, Nguyễn Công Nhân 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo khác bị tuyên phạt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm:
Đoàn Cường 48 tháng tù giam, Phan Minh Hiếu 45 tháng tù giam, Đặng Đức Châu 39 tháng tù giam, Nguyễn Thị Kim Liên 36 tháng tù giam, Rmah Plih 36 tháng tù treo và Bùi Ngọc Thư 36 tháng tù treo. Vào tháng 8.2013, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã giảm hình phạt cho bị cáo Đặng Đức Châu, đồng thời cho bị cáo Châu và bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên được hưởng án treo.
Gần 1 năm sau, TAND Tối cao đã có kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HSPT ngày 23.8.2013 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 26.4.2013 của TAND tỉnh Gia Lai. Theo đó, TAND Tối cao kháng nghị hủy 2 bản án nói trên về trách nhiệm hình sự, dân sự, án phí đối với 9 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo kháng nghị của TAND Tối cao, HĐXX cấp sơ thẩm đã đánh giá không đúng tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo, áp dụng không đúng quy định của pháp luật về chế định án treo, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngay sau đó, toàn bộ hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai để điều tra lại và sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, cơ quan Công an đã chuyển hồ sơ cho VKSND cùng cấp để thực hiện giai đoạn truy tố.
Trong đó, 2 bị Lê Khánh Lân và Nguyễn Công nhân từ truy tố tội danh Thiếu tinh thần trách nhiệm gây qua Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, theo kết luận giám định lại số 1485/KL-BYT của Hội đồng giám định Bộ y tế, giám định về trình tự thủ tục hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009, 2010 và Kết luận số 01/GĐV-TC của Giám định viên Tài chính giám định thiệt hại đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai giám định thiệt hại đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai qua 3 năm trên nhận thấy, các bị can trong Tổ chuyên gia đấu thầu đã có hành vi xét thầu sai.
Qua đó xác định, việc đấu thấu thuốc này được thông qua Tổ chuyên gia xét thầu qua các năm 2008, 2009, 2010 bị phát hiện có 2 sai phạm chính.
Thứ nhất, 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai xuất xứ (nơi sản xuất) lẽ ra phải loại ngay ra không xét tiếp nhưng các bị can lại xét đạt, cho trúng thầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước là trên 1 tỷ đồng, làm thiệt hại cho người bệnh.
Thứ hai, 8 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí quy định tại Hồ sơ mời thầu nhưng các thành viên trong Tổ chuyên gia đấu thầu đã loại ra, dẫn đến 8 mặt hàng thuốc dự thầu có giá cao hơn được trúng thầu.
Tuy nhiên, trong đó có một mặt hàng thuốc Karezone S không ký kết hợp đồng mua thuốc nên không gây thiệt hại. Còn 7 mặt hàng thuốc có giá trị thầu cao được trúng thầu gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước là gần 5 tỷ đồng. Hiện, vụ án đang được TAND tỉnh Gia Lai thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vụ án vẫn luôn được dư luận quan tâm khi việc xét thầu sai liệu có phải vì mục đích vụ lợi cá nhân khi năm 2019-2010, bị can Hiếu có gửi mặt hàng Medoclav 625mg cho Công ty CP Dược Vật tư Y tế Gia Lai để tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đối với bị can Đoàn Cường, trước thời điểm gửi Hồ sơ mời thầu cho các gói thầu năm 2010, Cường có gửi Danh sách mục thuốc mời thầu với nhóm thuốc hướng thần gây nghiện thông qua địa chỉ email cho dược sỹ Võ Đình Hiệp ở Công ty CP Dược Vật tư Y tế Gia Lai – là đơn vị được chỉ định thầu.
Cường còn gửi toàn bộ danh mục chi tiết đấu thầu cho người có địa chỉ thư điện tử nhuloan...@gmail.com. Còn bị cáo Liên thừa nhận có “giúp” một người tên Nguyễn Hải Hưng làm ở một Công ty dược tại thành phố Đà Nẵng một số mặt hàng thuốc để tham gia đấu thầu và trúng thầu 4 mặt hàng.
Theo KHÁNH ANH (LĐO)